Thầy Hoàng Long Trọng - Giáo viên Trường THCS Văn Lang, quận 1 (TPHCM) khẳng định như vậy.
Năng lực, phẩm chất người học được phát huy
Sau khi đọc Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, là người đang giảng dạy ở bậc THCS, thầy Hoàng Long Trọng cho rằng, chương trình này sẽ mở ra nhiều thú vị trong quá trình dạy của giáo viên và quá trình học của học sinh.
Chương trình Dự thảo hướng học sinh nhiều đến thực hành, vận dụng, trải nghiệm. Điều này phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, của thế giới và phù hợp để xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới, là những công dân toàn cầu: Năng động, sáng tạo.
Nó đúng như mục tiêu mà Dự thảo chương trình có nêu: Chương trình giáo dục THCS giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Đi sâu một chút, ở các môn học, có môn học bắt buộc (môn tất cả học sinh phải học), môn học bắt buộc có phân hoá, môn học tự chọn, môn học tự chọn bắt buộc. Cụ thể: Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý; Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Điều này sẽ không tạo áp lực quá lớn cho học sinh như chương trình hiện tại. Học sinh được lựa chọn, được học tập, được trải nghiệm theo sở trường, theo sự yêu thích của bản thân. Nhất định điều này sẽ tạo nên sự hứng thú cho người học, sẽ phát triển được năng khiếu, sở trường, thế mạnh của các em.
Như vậy chúng ta vừa đào tạo được chiều rộng (những kiến thức bắt buộc các em phải có - coi là kiến thức nền) lại đào tạo được chiều sâu (phát hiện và phát triển năng lực, sở trường của các em).
Theo thầy Hoàng Long Trọng, với chương trình mới, học sinh được học tập và phát triển theo năng lực bản thân. Còn với giáo viên đây sẽ là một thách thức đòi hỏi người thầy phải đổi mới cách dạy, đổi mới lối tư duy dạy, đáp ứng nhu cầu của người học.
Tuy nhiên, đổi mới trong điều kiện CSVC phải được đảm bảo. Vấn đề này theo như Dự thảo, thực hiện cần phải có lộ trình, không nóng vội và đổi mới giáo dục trước tiên phải đổi mới về đội ngũ nhà giáo và có điều kiện CSVC phù hợp.
Địa phương, các cơ sở giáo dục được tăng quyền chủ động
Theo chia sẻ của ThS Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TPHCM), Dự thảo rất lý tưởng và điều quan trọng là khi thực hiện, khi triển khai cần có sự linh hoạt điều chỉnh nhất định cũng như có lộ trình phù hợp.
Về điều này, trong quan điểm xây dựng chương trình nêu rõ: Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
Thầy Hiếu chia sẻ: “Tôi hoàn toàn đồng ý với Dự thảo chương trình, nó cho thấy sự đột phá trong các hình thức đánh giá học sinh. Thêm vào đó, việc hướng nghiệp cho các em ngay từ khi bước vào bậc THCS là điều rất đáng ghi nhận hay như việc cho học sinh chọn môn học cũng là một bước đi đúng hướng của chúng ta so với xu thế trên thế giới.
Tôi cũng rất tán thành 5 quan điểm của chương trình, đặc biệt là quan điểm: Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở. Điều này sẽ phát huy được tính chủ động của địa phương, các cơ sở giáo dục trong quá trình thực hiện”.
Một điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo, đó là trong tương lai nếu giao cho các trường THPT việc đánh giá định kỳ để cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh, theo thầy Bùi Gia Hiếu là hoàn toàn hợp lý.
Bởi vì hiện nay, việc học sinh và phụ huynh quan tâm là làm sao học sinh đậu vào các trường ĐH, CĐ, hoặc hệ thống giáo dục nghề nghiệp sau phổ thông.
Có thể thấy việc duy trì Kỳ thi THPT quốc gia tốn kém rất nhiều, từ chuyện kinh phí, đến việc phải huy động nhiều nguồn lực phục vụ cho một kỳ thi.
Tâm lý của phụ huynh học sinh cũng khá căng thẳng, trong khi mục tiêu của học sinh không còn dừng lại chỉ ở đậu tốt nghiệp nữa. Tuy nhiên, việc này phải có sự giám sát chặt chẽ cũng như các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, công bằng nếu không kết quả đánh giá sẽ khác xa với thực tế (bệnh thành tích).