(GD&TĐ) - Sáng 1/8 tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức buổi họp Đoàn giám sát của UBTVQH về thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và Chương trình – Sách giáo khoa (CT - SGK) giáo dục phổ thông (GDPT). Buổi họp diễn ra dưới sự chủ trì của GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát.
->> CT – SGK đã và đang tiếp cận, đáp ứng nhu cầu xã hội
![]() |
Học sinh THPT với tiết học công nghệ |
Buổi họp của UBTVQH có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Vụ: GDTH, GDTrH, KHTC, Cục: CSVC, TBTH và ĐCTE… thuộc Bộ GD&ĐT cùng các thành viên Đoàn giám sát của UBTVQH.
Đây là buổi làm việc cuối cùng của Đoàn giám sát, trước khi hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và CT-SGK GDPT, chính thức trình lên UBTVQH tại phiên họp thứ 20 dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này.
![]() |
Chương trình và sách giáo khoa đã có sự đổi mới rõ rệt |
Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát do ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát trình bày tại buổi họp, cho biết:
Quy mô GDPT và mạng lưới các cơ sở GDPT đã từng bước được củng cố và phát triển; phân bố hợp lý, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của HS trong cả nước. Tuy vậy, công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới cơ sở GDPT vẫn còn chậm, thiếu tính dự báo và chưa sát với yêu cầu của thực tiễn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát – đánh giá cao những đóng góp, đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cùng các đại biểu đã tham gia ý kiến tại buổi làm việc. Khẳng định GDPT đã đạt được những thành tựu quan trọng GS Đào Trọng Thi nêu rõ đây là dự thảo Báo cáo giám sát, không phải là báo cáo tổng kết, do đó UBTVQH không đề cập sâu vào các nguyên nhân của những tồn tại cũng như kiến nghị về nhiệm vụ, giải pháp. Những đề xuất của các đại biểu, đặc biệt của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, sẽ được Đoàn giám sát nghiên cứu, kết hợp với Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Báo cáo để kịp hoàn thiện, trình UBTVQH ra Nghị quyết về kết quả giám sát vào phiên họp tới đây. |
Các mô hình GD đặc biệt phát triển khá đa dạng, phù hợp với xu thế và đòi hỏi của thực tiễn, nhưng chưa bám sát mục tiêu đề ra và còn bất cập về cơ chế hoạt động, quản lý.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình GDPT, kết quả giám sát cho thấy việc tổ chức biên soạn CT – SGK GDPT đã được triển khai nghiêm túc, nhưng quy trình biên soạn vẫn còn thiếu tính khoa học, chưa đảm bảo tính liên thông, thống nhất giữa các cấp học, môn học.
Việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai CT – SGK mới còn thiếu tính đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu dạy học. Nguyên nhân chủ yếu được cho là hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đội ngũ giáo viên còn chưa đầy đủ và thiếu tính đồng bộ.
Đánh giá về CT – SGK GDPT, Đoàn giám sát cho rằng về cơ bản đã thể hiện được quan điểm, đường lối đổi mới GD của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt CT – SGK biên soạn đã kế thừa và phát huy được những ưu điểm cơ bản của các CT – SGK trước đây, phù hợp với xu hướng quốc tế về phát triển CT GDPT ở các thành tố cơ bản là: mục tiêu GD; chuẩn kiến thức; phạm vi và cấu trúc nội dung GD; định hướng phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động GD; đánh giá kết quả GD.
Tuy vậy, Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ công tác biên soạn vẫn còn thiên về trang bị kiến thức mà chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện kỹ năng, nhất là kỹ năng sống và nhân cách HS. Một số môn học còn có nội dung thiếu tính khả thi, nhất là đối với HS DTTS và HS ở các địa bàn có điều kiện KT – XH khó khăn.
Cũng theo kết quả giám sát, dù còn một số hạn chế nhất định nhưng tính liên thông và quan điểm dạy học phân hoá, tích hợp bước đầu đã được thể hiện trong CT – SGK GDPT. SGK GDPT có nhiều tiến bộ về nội dung và hình thức trình bày so với trước đây…
Lưu Nguyễn