Nhiều giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn tại Quảng Trị bày tỏ niềm vui khi tới đây, các thầy, cô giáo sẽ được hưởng phụ cấp đặc biệt, giúp họ yên tâm công tác.
Cán bộ, giáo viên được quan tâm
Xã A Vao, huyện Đakrông là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn tại Quảng Trị. Hiện địa phương có 6 thôn, trong đó 3 thôn biên giới. Đây là xã miền núi với chủ yếu đồng bào thiểu số Pa Kô, Vân Kiều chiếm hơn 90%. Những năm qua, dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng nhìn chung cơ sở hạ tầng và trình độ dân trí ở đây còn thấp. Đa số lao động sản xuất nông nghiệp, làm nương rẫy. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mùa nắng thì hạn hán, mùa mưa thì lũ lụt.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, lực lượng vũ trang công tác tại các xã, thị trấn có điều kiện đặc biệt khó khăn, mới đây, Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị về điều chỉnh chế độ phụ cấp đặc biệt và phụ cấp khu vực.
Theo đó, kể từ ngày 1/2, tại Quảng Trị được bổ sung, điều chỉnh thêm 2 xã có phụ cấp đặc biệt và 4 xã, thị trấn có phụ cấp khu vực. Cụ thể, xã A Vao (huyện Đakrông) có phụ cấp đặc biệt với mức 50%, xã Tà Long (huyện Đakrông) có phụ cấp đặc biệt với mức 30%. Việc điều chỉnh như trên nhằm bảo đảm tương quan về thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác tại địa bàn có điều kiện sinh hoạt như nhau.
Công tác ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhưng với tinh thần, trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, nhiều thầy cô giáo đã hy sinh niềm vui cá nhân, chấp nhận xa gia đình để gắn bó với địa phương, bám bản dạy chữ.
Thế nhưng, nguồn thu nhập các giáo viên nhận được chưa đủ để trang trải các chi phí sinh hoạt và chăm sóc gia đình. Đó cũng là tâm tư của nhiều giáo viên đang công tác tại những bản làng xa xôi, nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn nhưng các thầy cô thường trăn trở, ít có cơ hội chia sẻ. Bởi trong tâm khảm của các giáo viên, việc bám lớp dạy chữ cho những học trò vùng cao là nhiệm vụ vinh quang giúp các em có tri thức để bước vào đời, sau này lớn lên quay trở về phục vụ quê hương.
Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học và THCS A Vao. |
Để giáo viên yên tâm gắn bó
“Nghe thông tin sắp tới, các cán bộ, giáo viên trên địa bàn sẽ được hưởng phụ cấp, chúng tôi cũng rất mừng. Thu nhập được nâng lên sẽ giúp các giáo viên trang trải các chi phí trong cuộc sống, nuôi con học hành và yên tâm công tác”, cô Hiền chia sẻ.
Cô giáo Hồ Thị Thu Hiền (trú ở xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông) đã có 17 năm gắn bó, giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú – THCS Tà Long cho biết, từ trước đến nay, dù chưa có chế độ phụ cấp nhưng các thầy, cô giáo vẫn khắc phục, vượt qua mọi khó khăn để yên tâm công tác, dạy chữ cho học sinh.
Nhà ở huyện Cam Lộ, nhưng thầy giáo Nguyễn Hữu Hùng (giáo viên dạy môn Vật lý) đã gắn bó với địa bàn xã A Vao 19 năm. Mỗi tuần, thầy Hùng phải vượt qua chặng đường hàng trăm km để đến trường dạy học. Cuối tuần mới về thăm gia đình. Thậm chí, những khi có việc đột xuất, thầy phải bám trụ đến nửa tháng mới được về thăm nhà.
Thầy Hùng tâm sự: “So với những địa bàn lân cận như xã A Bung, xã A Ngo, thì xã A Vao được xếp vào nhóm địa phương đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nhưng những năm qua, các cán bộ, giáo viên mới được hưởng phụ cấp mức 30%. Do đó, việc nâng mức phụ cấp đặc biệt theo chính sách mới khiến các giáo viên rất mừng. Mức phụ cấp mới giúp giải quyết phần nào khó khăn cho đời sống giáo viên. Chính sách trên tháo gỡ khó khăn cho giáo viên miền núi”.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học và THCS A Vao có nhiều giáo viên công tác xa nhà. Các thầy cô giáo nơi đây phải “cắm bản” để dạy chữ cho học sinh. Bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình, các thầy cô đã đem kiến thức mình học được để dạy chữ cho học sinh.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Bình – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học và THCS A Vao (huyện Đakrông), nhà trường có 7 điểm trường, 2 cấp học với 718 học sinh. Trong đó, điểm trường xa nhất là Pa Lin, cách điểm trung tâm khoảng 23 km. Học sinh của trường chủ yếu là con em đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, điều kiện rất khó khăn.
Thầy Bình cho hay, theo chính sách mới, nhà trường sẽ có gần 60 cán bộ, giáo viên được hưởng phụ cấp đặc biệt. Trước đây, các cán bộ, giáo viên đã được hưởng 30%, nay tăng thêm 20%.
“Những giáo viên có hệ số lương cao, công tác trong ngành lâu năm thì việc nâng phụ cấp như vậy giáo viên sẽ có thêm một khoản tăng thêm. Đây sẽ là niềm động viên đối với các cán bộ, giáo viên, để các thầy cô có thêm động lực yên tâm công tác, cống hiến cho giáo dục miền núi”, thầy Bình chia sẻ.
Thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Đakrông cho thấy, theo chính sách mới có gần 200 giáo viên được hưởng phụ cấp đặc biệt (trong đó, xã A Vao có 85 cán bộ, giáo viên và xã Tà Long có gần 110 cán bộ, giáo viên). Toàn huyện có hơn 450 cán bộ, giáo viên được hưởng phụ cấp đặc biệt.
Thầy giáo Nguyễn Sỹ Huấn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đakrông cho biết, chính sách ưu đãi trên tác động rất lớn đến đời sống giáo viên, đặc biệt là các giáo viên công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội. Đối với địa bàn xã A Vao, trước đây giáo viên được hưởng 30%, nay nâng lên 50%; còn với xã Tà Long thì các giáo viên chưa được hưởng phụ cấp, đến nay mới được hưởng 30%.
“Chính sách ưu đãi giúp các cán bộ, giáo viên có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và giúp các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”, thầy Huấn cho hay.
Ngoài 2 địa phương là xã A Vao và xã Tà Long (huyện Đakrông) được hưởng phụ cấp đặc biệt, theo văn bản Bộ Nội vụ gửi UBND tỉnh Quảng Trị cũng điều chỉnh mức phụ cấp khu vực đối với các địa phương, gồm: Xã Lìa (huyện Hướng Hóa) và xã A Bung (huyện Đakrông) có phụ cấp khu vực với hệ số 0,7%; xã Linh Trường (huyện Gio Linh) và thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông) có phụ cấp khu vực với hệ số 0,3%. Riêng tại xã A Vao, số lượng đối tượng đang hưởng phụ cấp trên địa bàn là 152 cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Dự tính kinh phí điều chỉnh phụ cấp đặc biệt từ 30% lên 50% là gần 1,7 tỷ đồng/năm.