(GD&TĐ) - Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 cách trung tâm huyện khoảng 30 km, trong đó chỉ có 20 km đường ô tô. Tại đây, thầy Nguyễn Thế Cầm - Hiệu trưởng - cho biết: Ngoài điểm chính tại bản Cắm nhà trường còn có hai điểm lẻ ở bản Phạt (cách điểm chính 4 km) và bản Huồi Máy (cách điểm chính 25 km).
Trường TH Cắm Muộn 2 năm nào cũng có 3 giáo viên vào dạy ở bản vùng sâu Huồi Máy |
Từ điểm chính lên điểm Huồi Máy, chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Tại đây, nhiều năm nay, năm nào cũng có 3 lớp học (2 lớp ghép) với trên dưới 20 học sinh. Riêng năm học 2013 - 2014 có 19 học sinh, do 3 thầy giáo phụ trách, trong đó có thầy giáo Lô Văn Lan đã từng ở Huồi Máy 8 năm liên tục.
Trong buổi làm việc, điều thầy Cầm băn khoăn nhất là các giáo viên cắm ở bản Huồi Máy chưa bao giờ được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt, trong khi các giáo viên ở các bản bên cạnh nhưng thuộc xã Nậm Nhoóng (Quế Phong) và thuộc huyện Tương Dương lại được hưởng chế độ này. Ông Cầm cho biết, do ở sâu, quá xa trung tâm xã, trẻ em ở đây không được đến trường.
Để khắc phục tình trạng này, từ năm học 1978-1979, Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 bắt đầu đặt điểm lẻ và mở các lớp tiểu học tại bản Huồi Máy. Giáo viên của Trường được phân công thay nhau vào vận động trẻ em đến lớp và trực tiếp phụ trách các lớp học.
Có người như thầy giáo Lô Văn Lan ở đây đã lâu nhưng Trường không thể điều ra điểm chính được, vì dân bản Huồi Máy tuyên bố, nếu thầy giáo Lan đi, họ sẽ không cho con đi học nữa. Như vậy là đã 35 năm nay, những giáo viên vào dạy ở bản Huồi Máy phải chịu nhiều gian khổ và họ chỉ biết hy sinh chứ không hề có một chế độ gì khác so với các giáo viên dạy ở điểm chính của Trường.
Nguyên nhân của sự không công bằng này, theo ông Cầm là do bản Huồi Máy chưa được công nhận là một bản – chưa có tên trên bản đồ hành chính của huyện Quế Phong.
Ông Lô Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn - cho biết: Trước đây vùng Huồi Máy chưa có người ở. Bắt đầu từ cuối những năm 1960 của thế kỷ trước, khoảng vài chục gia đình người Khơ Mú thuộc huyện Tương Dương di cư sang đây sinh sống; sau đó có gần vài chục gia đình thuộc các bản của xã Nậm Nhoóng cạnh đó cũng sang theo.
Hiện tại, ở bản Huồi Máy có 29 hộ gia đình người Khơ Mú và 22 hộ gia đình người các dân tộc khác. Cấp ủy, chính quyền xã Cắm Muộn đã có một số lần bàn, báo cáo và xin chính quyền huyện Quế Phong cho thành lập bản Huồi Máy, nhưng hiện vẫn chưa được chấp nhận.
Vì vậy, tuy gọi là bản, nhưng về hành chính, Huồi Máy chưa phải là bản mà là một bộ phận của bản Cắm. Năm 2004, bản Cắm được chia thành ba bản: Cắm Nọc, Cắm Cảng và Cắm Pỏm thì Huồi Máy là bộ phận của bản Cắm Nọc. Mà bản Cắm trước đây và bản Cắm Nọc hiện nay không thuộc khu vực được hưởng phụ cấp đặc biệt nên các thầy giáo vào công tác ở bản Huồi Máy phải chịu thiệt thòi.
Có dân ắt phải có lớp học - không thể để cho dân không được học hành, đó là chế độ ưu việt của Nhà nước Việt Nam ta. Những người thực thi chế độ ưu việt này - những người đầu tiên đưa văn hóa đến cho đồng bào các dân tộc ở bản Huồi Máy chính là các thầy cô giáo.
Trong suốt 35 năm qua, công chức, viên chức nhà nước đến ăn ở, công tác thường xuyên ở bản Huồi Máy, duy nhất cũng chỉ có các thầy cô giáo. Vào Huồi Máy, hiện tại, các thầy giáo ở đây ngoài việc phải chịu đựng những khó khăn, vất vả của vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới, còn phải chịu cảnh giá cả tăng cao trong sinh hoạt hàng ngày (hiện tại, loại gạo thường ở Vinh giá khoảng 9.000 đồng/kg thì tại Huồi Máy là 25.000 đồng/kg). Vì thế, đã khó khăn, các thầy giáo ở Huồi Máy lại càng khó khăn hơn.
Các thầy cô giáo Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 đang từng ngày mong UBND huyện Quế Phong và UBND tỉnh Nghệ An xem xét để những giáo viên của Trường được cử vào dạy ở bản Huồi Máy được hưởng chế độ giống như giáo viên dạy ở các bản bên cạnh, giúp họ đỡ thiệt thòi, đỡ tủi thân.
Minh Đức