Bé T.M.N, 4 tuổi (TPHCM) đến bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM trong tình trạng ho dữ dội, không nằm được.
Người nhà cho biết, 5 tháng trước, bé ho nhẹ. Hơn 1 tuần nay, bé tái ho trở lại, có những cơn khó thở, uống thuốc không cải thiện.
Bác sĩ chẩn đoán bé N. bị viêm phổi kèm hen, phải nhập viện điều trị.
TS.BS. Nguyễn Huy Luân - Trưởng Đơn vị Tiêm chủng BV ĐH Y Dược TPHCM chia sẻ, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi thất thường bởi khả năng miễn dịch của trẻ thường yếu hơn người lớn.
Khi mắc bệnh, khả năng gặp biến chứng của trẻ cũng nhiều hơn. Từ bệnh cúm, trẻ có thể biến chứng sang viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh phế quản".
BS.CKII. Đặng Thị Kim Huyên - Khoa Thăm dò chức năng hô hấp BV ĐH Y Dược TPHCM, trong những nguyên nhân gây ra bệnh lý hô hấp, gần 80% trường hợp do siêu vi gây ra, nổi bật là cúm; 20% còn lại do vi trùng gây ra, nổi bật là phế cầu, liên cầu, Haemophilus influenzae.
Hiện có nhiều loại vắc-xin giúp ngăn ngừa virus cúm, vi khuẩn phế cầu gây viêm phổi, viêm tai giữa và nhiễm trùng huyết...
Vì vậy, biện pháp phòng ngừa bệnh lý hô hấp tốt nhất là đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong sinh hoạt hằng ngày, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi ra ngoài và đến nơi đông người, bổ sung dinh dưỡng hợp lý xây dựng hệ miễn dịch khoẻ mạnh.
Bác sĩ Luân cho biết, tiêm chủng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ, bao gồm bệnh do virus và vi khuẩn.
Việc tiêm chủng sớm và đúng lịch trình giúp cơ thể trẻ phát triển khả năng miễn dịch tốt nhất trước khi tiếp xúc với các loại virus, vi khuẩn gây bệnh, bảo vệ trẻ khỏi biến chứng nguy hiểm, ngăn chặn lây lan trong cộng đồng.
Với bệnh lý hô hấp, việc tiêm ngừa thường bắt đầu từ khi trẻ còn rất nhỏ, thời điểm mới sinh trẻ đã được tiêm ngừa phòng bệnh lao.
Khi trẻ 6 tuần tuổi trở lên, sẽ được tiêm ngừa phòng vi khuẩn Hib, phế cầu, ho gà, lịch tiêm 3 lần và nhắc lại vào năm thứ 2.
Lịch tiêm ngừa virus cúm dành cho trẻ 6 tháng tuổi trở lên là tiêm 2 liều, mỗi liều cách 1-2 tháng và tiêm nhắc lại mỗi năm.