Trẻ trên 6 tuần tuổi cần tiêm ngừa vắc - xin nào?

GD&TĐ - Trẻ từ 6 tuần tuổi cần tiêm vắc-xin 6 trong 1, cúm, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, viêm màng não, sởi, quai bị, rubella, viêm gan A, HPV...

TS BS Nguyễn Huy Luân thăm khám và tư vấn tiêm chủng cho trẻ. Ảnh: (BVCC)
TS BS Nguyễn Huy Luân thăm khám và tư vấn tiêm chủng cho trẻ. Ảnh: (BVCC)

ThS BS Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, trong những năm tháng đầu đời, trẻ em rất dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.

Khi này, việc tiêm vắc-xin có thể giúp cơ thể trẻ chủ động tạo ra kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Nếu trẻ mắc bệnh, thời gian bệnh sẽ ngắn hơn và triệu chứng nhẹ hơn, từ đó giảm rủi ro để lại di chứng sau bệnh.

Theo lịch tiêm chủng được khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho trẻ em và với các vắc-xin hiện có tại Việt Nam, từ 6 tuần tuổi trẻ cần tiêm các mũi vắc-xin quan trọng như Vắc-xin 6 trong 1 (phòng chống bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B, và các bệnh do vi khuẩn Hib, vắc-xin phế cầu, vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy và viêm dạ dày ruột do virus Rota).

Trẻ tiêm vắc-xin phòng cúm, khi 6 tháng tuổi.

Đến 9 tháng tuổi, trẻ có thể tiêm vắc-xin thủy đậu, viêm não Nhật Bản thế hệ mới và vắc-xin phòng viêm màng não do não mô cầu type A, C, W, Y.

Từ 12 tháng tuổi, trẻ tiếp tục được bảo vệ bằng vắc-xin sởi, quai bị, rubella và viêm gan A.

Khi đến 9 tuổi, vắc-xin ngừa virus HPV sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi các loại ung thư liên quan đến HPV lây lan qua đường tình dục.

ThS BS Nguyễn Hiền Minh nhấn mạnh, tất cả mũi vắc-xin này đều là biện pháp phòng bệnh chủ động, an toàn và hiệu quả, giúp xây dựng hệ miễn dịch và bảo vệ trẻ luôn khỏe mạnh.

Tuy nhiên, hệ tiêm chủng cần thời gian hoàn thiện và tiêm đầy đủ tất cả loại vắc xin. Do đó, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng đều đặn theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế.

TS BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, các bệnh lý trẻ em thường mắc phải trong những năm đầu đời có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và từng giai đoạn phát triển.

Theo thống kê năm 2019, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm trẻ em dưới 1 tuổi là do các vấn đề chu sinh và dị tật bẩm sinh, đặc biệt là các dị tật về tim mạch, hô hấp, thần kinh. Nhiễm trùng đường hô hấp dưới cũng là một nguyên nhân quan trọng.

Trong khi đó, đối với trẻ từ 1 đến 4 tuổi, các bệnh lý như lao, tiêu chảy, sởi và nhiễm trùng hô hấp dưới là những nguyên nhân chính. Tiếp đến là các dị tật bẩm sinh và những bệnh không truyền nhiễm khác.

Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc hoặc tử vong do các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vắc xin như viêm gan B, cúm, phế cầu, virus rota, ho gà...

Theo bác sĩ Luân, có nhiều yếu tố tác động đến sức khỏe của trẻ trong những năm đầu đời, đặc biệt là sự phát triển chưa hoàn thiện của hệ tiêu hóa, hô hấp và miễn dịch.

Ngoài ra, việc trẻ chưa đạt mức miễn dịch tối đa do tiêm chủng chưa đầy đủ cũng là một nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua vi khuẩn và virus. Một trong các cách thức giúp đảm bảo cho trẻ có sức khoẻ tốt là tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh có thể phòng được bằng vắc-xin.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm trên thế giới có khoảng 3 triệu người tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin, trong đó một nửa là trẻ em dưới 5 tuổi.

Như vậy, bằng cách chủ động tiêm vắc-xin, cha mẹ có thể bảo vệ trẻ em khỏi những căn bệnh nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Để nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM thực hiện chương trình tư vấn “Sống khỏe - Sẻ chia” với chủ đề: “Tiêm chủng - Lá chắn bảo vệ sức khỏe trẻ em”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.