Phòng dịch Covid-19: Chỉ vắc-xin mới bảo đảm một cộng đồng khỏe mạnh

GD&TĐ - Trong những ngày này, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19 được dư luận đặc biệt quan tâm. Có người đi tiêm phòng với tâm trạng bồn chồn, lo lắng vì những tác dụng phụ có thể xảy ra.

Tỷ lệ người bị phản ứng sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 trên thế giới rất thấp.
Tỷ lệ người bị phản ứng sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 trên thế giới rất thấp.

Phản ứng do tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh Covid-19 tuy hiếm, nhưng không phải là không có… Tuy nhiên, về mặt cộng đồng và lâu dài, chỉ có tiêm phòng vắc-xin mới chắc chắn bảo đảm một cộng đồng khỏe mạnh, một xã hội bình yên.

Cơ sở của niềm tin

Từ nhiều thập niên qua, Chương trình tiêm chủng mở rộng của trẻ em đã mang lại những kết quả to lớn. Nhiều bệnh tật dần biến mất. Các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng và bắt buộc thực hiện ở trẻ em được thực hiện trên cả nước bao gồm: Lao - Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Bại liệt - Sởi - Viêm gan siêu vi - Viêm não Nhật Bản - Rubella.

Các loại vắc-xin trên đã tạo ra độ tín nhiệm gần như tuyệt đối trong cộng đồng nhờ tính hiệu quả, độ an toàn. Tất nhiên những điều đó có được là nhờ sự đánh giá của… thời gian và việc tổng kết của các chuyên gia y tế.

Dịch Covid-19 là một căn bệnh mới. Nguyên nhân gây bệnh hiện được gọi theo danh pháp thống nhất là virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, loại virus này liên tục xuất hiện các loại biến chủng gây bệnh với tốc độ lây lan được đánh giá là nhanh hơn các chủng virus cũ.

Để phòng chống bệnh Covid-19, các nhà khoa học tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới ngày đêm lao vào nghiên cứu và thậm chí là chạy đua nhau để chế tạo vắc-xin. Hiện đã có đến gần 10 loại đã được cấp phép sử dụng tại một hay  nhiều quốc gia.

Các nước sản xuất vắc-xin phòng bệnh Covid-19 tiêu biểu gồm Nga, Anh, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn độ, Đức, Nhật Bản… Tại Việt Nam, việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng bệnh Covid-19 đang bước vào thử nghiệm giai đoạn cuối (giai đoạn 3).

Mặc dù đã được đưa vào sử dụng, nhưng vắc-xin phòng bệnh Covid-19 vẫn mới mẻ, chưa vượt qua thử thách của thời gian và vẫn đang được nghiên cứu đánh giá và hoàn thiện. Do vậy, việc một số người chưa đặt niềm tin cũng là điều dễ hiểu và cảm thông. Tuy nhiên, căn cứ khoa học sẽ là cơ sở minh chứng và dẫn dắt niềm tin của những người hiểu biết.

Tất cả vắc-xin trước khi được đưa vào sử dụng rộng rãi, đều tuân thủ theo các quy trình thử nghiệm và đánh giá nghiêm ngặt. Dù khẩn trương, cấp bách, nhưng vắc-xin phòng bệnh Covid-19 cũng không có ngoại lệ.

Theo các chuyên gia y tế, miễn dịch cộng đồng đối với dịch Covid-19 chỉ có thể đạt được khi 75 - 80% dân số được tiêm chủng. Mục tiêu của Việt Nam đến cuối năm 2021 sẽ tiêm chủng cho khoảng 20% dân số.

Phần dân số còn lại cũng sẽ được tiêm trong những năm tiếp theo. Điều phối viên của Liên Hợp Quốc thường trú tại Việt Nam Kamal Malhotra có một phát biểu rất đáng suy ngẫm: “Không nước nào an toàn đến khi thế giới sạch bóng Covid-19.

Không nước nào có thể đơn thương độc mã đánh bại Covid-19 để tái mở cửa phát triển kinh tế. Một quốc gia chỉ có thể hồi phục khi toàn bộ các quốc gia khác tiêm phòng 75 - 80% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng”.

Vậy xem ra, đối với mỗi chúng ta việc tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19 còn là trách nhiệm chung cho một thế giới an lành.

Các tác dụng phụ do vắc-xin

Vắc-xin phòng Covid - 19. Ảnh: ITN.

Vắc-xin phòng Covid - 19. Ảnh: ITN.

Vắc-xin cũng là một loại thuốc. Đây là loại thuốc đặc biệt dùng để phòng bệnh. Vì là thuốc, nên cũng như bao loại thuốc khác, vắc-xin phòng bệnh Covid-19 ngoài tác dụng tạo miễn dịch bảo vệ cơ thể, còn gây tác dụng phụ, tức là phản ứng bất lợi cho người nhận được mũi tiêm.

Các tác dụng phụ do vắc-xin phòng bệnh Covid-19 gây ra mang tính phổ biến: Đau tại vị trí tiêm; Sưng và đỏ da vùng tiêm; Sốt nhẹ hoặc run lạnh;

Cảm giác mệt và nhức đầu; Cảm giác buồn nôn, nôn, tiêu chảy; Đau mơ hồ hoặc rõ rệt ở các cơ và khớp.

- Phản ứng phản vệ: Còn gọi là phản ứng dị ứng. Tuy hiếm khi xảy ra, nhưng đây lại là tác dụng phụ nặng nề nhất, vì đe dọa đến tính mạng người được tiêm vắc-xin. Đặc biệt, ở những người có sẵn một hoặc vài bệnh lý đang mắc. Phản ứng dị ứng nặng xảy ra dưới hình thức quen gọi là sốc phản vệ có thể được điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngay tại chỗ và nơi theo dõi, điều trị cuối cùng là tại các cơ sở y tế có đủ trang thiết bị cần thiết.

Các chuyên gia thế giới ước tính có khoảng 2 - 5 trường hợp tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19 trong số 1 triệu người tiêm có thể xảy ra tình trạng sốc phản vệ nhưng có khả năng cứu chữa được, nếu phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Tại một số quốc gia, trong thời gian qua, hàng triệu liều vắc-xin đã được tiêm phòng nhưng không ghi nhận trường hợp nào tử vong. Như vậy, tỉ lệ tử vong là hiếm gặp và rất thấp. Có thể xem như tương đồng với nhiều loại thuốc đang sử dụng khác.

Ngoài các tác dụng phụ chung như đã nói ở trên, riêng vắc-xin phòng bệnh Covid-19 có một số tác dụng phụ hiếm gặp khác đang được các nhà chuyên môn ghi nhận và cảnh báo như hội chứng giảm tiểu cầu và huyết khối. Theo công bố của EMA (Eropean Medicines Agency: Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu) tỉ lệ mắc là 1 - 4 ca/1 triệu người tiêm.

- Cách xử trí: Thông thường, tác dụng phụ do vắc-xin gây ra đều nhẹ nhàng và tự khỏi sau một vài ngày mà không cần điều trị hoặc chăm sóc gì đặc biệt. Các trường hợp bị sốt nhẹ chỉ cần lau mát, mặc quần áo mỏng, không đắp chăn kín, cho uống thêm nước và uống thuốc hạ sốt nếu cần. Tốt nhất đo thân nhiệt, nếu nhiệt độ >38,5oC thì cho uống thuốc hạ sốt. Cần liên lạc với nơi tiêm vắc-xin, bác sĩ gia đình hoặc cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn thêm.

Các chống chỉ định và hoãn tiêm

- Người bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng các loại thuốc gây suy yếu hệ thống miễn dịch như các Corticosteroides liều cao, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc điều trị ung thư, thuốc hóa trị và xạ trị.

- Người đang bị nhiễm khuẩn và sốt.

- Người bị rối loạn đông chảy máu, giảm tiểu cầu hoặc đang sử dụng các loại thuốc chống đông máu.

- Người có tiền sử bị phản ứng phản vệ từ độ 2 (mức độ nặng) trở lên hoặc bị dị ứng ở mức đáng quan tâm với mũi tiêm trước.

- Người dưới 18 tuổi (với các vắc-xin hiện đang lưu hành tại Việt Nam)

- Những người bệnh nặng giai đoạn cuối như ung thư, xơ gan mất bù…

Riêng phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ, người tiêm vắc-xin phòng bệnh khác trong vòng 14 ngày trước, người sử dụng Immunoglobulin hoặc huyết tương của người bệnh Covid-19 trong vòng 90 ngày trước đó thì tạm thời trì hoãn sự tiêm chủng cho đến khi tình trạng được thay đổi.

Lời kết

Hiện tại các điểm tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19, các bàn khám sàng lọc được bố trí để phân loại người đến tiêm. Chỉ thực hiện tiêm cho các trường hợp không có chống chỉ định, các trường hợp có nhiều bệnh nền hoặc tạm thời hoãn tiêm sẽ được hướng dẫn đến trở lại lần sau hoặc phải tiêm phòng tại bệnh viện lớn, nơi có đầy đủ các phương tiện cấp cứu nhất.

Cũng tại các điểm tiêm phòng, đội cấp cứu và xe cấp cứu luôn túc trực, máy thở và các dụng cụ cần thiết khác cũng được trang bị. Thuốc cấp cứu thiết yếu cho sốc phản vệ là Adrenaline cũng được sạc trước vào ống chích cho từng buổi tiêm để cấp cứu ngay lập tức khi sự cố xảy ra. Tất cả nhằm bảo đảm sự an toàn cho tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và sự an tâm của người đến tiêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.