(GD&TĐ) - Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, Mạnh Trí, 22 tuổi ở Sóc Sơn (Hà Nội) đứng không vững. Quan hệ tình dục thiếu an toàn, Trí đã bị nhiễm HIV. Nhưng điều khiến em đau đớn không phải là căn bệnh mà là ngay sau đó, bố cậu đã dựng một cái chòi trong vườn, quẳng đồ đạc của Trí vào đó…
Lây nhiễm qua đường tình dục tăng
Bố mẹ sợ hãi, ghẻ lạnh, sống trong cái lều tạm bợ góc vườn, Trí tự cho là đời mình đã hết. Không nghề nghiệp, bạn bè e ngại, gia đình không còn là điểm tựa, nhiều lúc Trí muốn kết thúc cuộc sống của mình. Từ sự mách nước của một người bạn, Trí đến Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về Y tế, HIV/AIDS xin được trợ giúp.
Cô gái trẻ là tư vấn viên của Trung tâm đồng thời cũng là người nhiễm HIV đến gia đình Trí vận động, thuyết phục. Mẹ Trí đã khóc. Bà khóc vì sự thiếu hiểu biết của mình, vì khi con cần gia đình nhất thì cha mẹ ghẻ lạnh. Bà khóc vì cô gái xinh xắn kia là một người như con bà, được người thân và cộng đồng nâng đỡ đã tự tin và sống đầy ý nghĩa. Trong lúc đó, bố Trí đã lẳng lặng ra vườn đạp đổ cái chòi, mang đồ đạc của con trai vào nhà...
Những bạn trẻ như Trí dù sống trong một xã hội hiện đại, nhiều thông tin nhưng đã không được trang bị đủ kiến thức để phòng tránh được các nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Điều đáng lo ngại là thanh thiếu niên chiếm tới hơn 1/2 số người nhiễm. Theo BS Lê Nhân Tuấn – Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội, lứa tuổi nhiễm chủ yếu là từ 20 – 39, chiếm 87,2%. Một trong những điều đáng lo ngại là tỉ lệ nữ mắc HIV tăng lên trong khi tỉ lệ này ở nam đã giảm đi.
Góc thân thiện là nơi sinh hoạt bổ ích cho thanh thiếu niên trong phòng chống HIV Ảnh: Xuân Tùng |
Tăng cường kỹ năng sống
Là sinh viên năm thứ 3 tại Trường ĐH Bách khoa (Hà Nội) nhưng Bích biết rất lơ mơ về các kiến thức về phòng chống HIV/AIDS. Thậm chí, em còn nghĩ nó là một căn bệnh gì đó kiểu như ung thư. Đặc biệt, khi hỏi có biết các đường lây của bệnh thì em lại càng lúng túng.
Những bạn trẻ thiếu kỹ năng sống và kiến thức về phòng chống HIV/AIDS như Phương không phải là ít. Bạn Nam - Sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội còn cho rằng, nếu QHTD mà không “xuất binh” thì không thể lây nhiễm. Còn bạn Tuyết, sinh viên Trường ĐH Dân lập Phương Đông lại nghĩ, khi yêu không thể nói với người yêu rằng phải sử dụng bao cao su phòng tránh bệnh lây truyền, vì như thế là không thật lòng, không phải là yêu nhau (!?)…
Trong những năm qua, dự án Phòng chống HIV/AIDS cho thanh niên của Tổng cục DS-KHHGĐ cũng như các dự án khác về phòng chống HIV của Bộ Y tế đã có những kết quả tốt trong việc truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh niên về phòng tránh lây nhiễm HIV. Các bạn trẻ được trang bị những kiến thức đúng về HIV, tham gia tuyên truyền tại cộng đồng. Các dự án cũng có các can thiệp cụ thể cho các thanh niên nghiện chích ma túy, thanh niên đường phố, thanh niên làm việc trong môi trường nhạy cảm… Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phòng chống HIV cho thanh niên, theo ông Lê Nhân Tuấn, cần đưa nội dung về phòng chống HIV/AIDS vào chương trình học trong nhà trường, vào các môn học cụ thể như sinh vật, chính trị - pháp luật; mở rộng chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Hà Minh
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.