(GD&TĐ) - HIV đã có mặt ở Việt Nam trên 20 năm. Số người mắc và chết do căn bệnh này cũng tăng từng ngày nhưng điều tra về kiến thức phòng chống bệnh cho thấy nhiều người, đặc biệt là thanh niên còn mơ hồ về đường lây truyền, thậm chí không ít bạn trẻ còn cho rằng họ “an toàn” với virus gây bệnh.
Vẫn mơ hồ về bệnh
Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên (SAVY 2) cho thấy kiến thức phòng chống bệnh HIV tăng lên theo tuổi tác và trình độ học vấn, từ 9,9% đối với những người không đi học lên đến 77,6% với sinh viên các trường cao đẳng/đại học. Các phương tiện thông tin đại chúng là nguồn thông tin phổ biến nhất về HIV cho thanh thiếu niên với tỷ lệ 96,5%. Nguồn thông tin quan trọng thứ 2 là từ gia đình (88,2%), thanh thiếu niên thành thị nhận thông tin từ gia đình cao hơn đôi chút so với nông thôn (92,6 so với 86,7%).
Tỷ lệ thanh thiếu niên được tiếp cận các nguồn thông tin về HIV cao nhưng kiến thức, sự hiểu biết về con đường lây truyền, cách phòng chống vẫn là điều đáng bàn. Nhìn chung, thanh thiếu niên 22 - 25 tuổi có kiến thức về HIV tốt hơn nhóm tuổi 14 -17 và 18 - 21, nam hiểu biết về HIV/AIDS cao hơn nữ. Thanh thiếu niên thành thị hiểu biết nhiều hơn về HIV so với thanh thiếu niên nông thôn (54,4% so với 51,6%). Điều đáng quan tâm là mức độ hiểu biết thấp về HIV lại nằm trong nhóm thanh thiếu niên dân tộc thiểu số. Trong khi chỉ có 5,5% thanh thiếu niên Kinh có mức kiến thức thấp, thì tỷ lệ này lên đến 26,5% ở thanh thiếu niên dân tộc thiểu số, với 30,5% ở nữ dân tộc thiểu số.
Kiến thức phòng chống HIV/AIDS rất quan trọng với thanh thiếu niên Ảnh: Phan Hải |
Không loại trừ một ai
Nếu như trước kia, những người tiêm chích ma túy là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao thì nay cơ cấu số người mắc bệnh đã thay đổi sang những người có quan hệ tình dục không an toàn. Ông Chu Quốc Ân, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ngày nay khái niệm “nhóm nguy cơ” đã không còn ý nghĩa, chỉ có “những hành vi mạo hiểm”. Bởi cũng theo số liệu thống kê tại nhiều quốc gia, những người bị nhiễm virus vì lý do dụng cụ y tế, xăm mình, đục lỗ tai… chiếm tới 30% tổng số ca mắc.
Ở nước ta, với khoảng 1,7 triệu sinh viên đang theo học tại các trường CĐ, ĐH trên cả nước, trong đó phần lớn sinh viên sống xa nhà. Thiếu sự kiểm soát của gia đình lại sống trong thời kỳ bùng nổ của trào lưu “sống thử”, không ít sinh viên phải trả giá cho những phút nông nổi của mình, đó là việc mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt là nhiễm HIV/AIDS. Theo ông Ân, chính quan điểm mình chẳng liên quan gì đến HIV bởi môi trường làm việc, môi trường sống đều không có đối tượng nhiễm H nên… chẳng có gì phải sợ đã “giết chết” nhiều người bởi HIV là bệnh có ít triệu chứng lâm sàng nên chỉ cần một hành vi không an toàn, bất kỳ ai cũng có thể bị lây.
Một nghiên cứu khác của ĐH Y Hà Nội tiến hành tại 7 tỉnh về nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS của nhóm thanh niên 15 - 24 cho thấy chỉ có 30-60% tỷ lệ thanh thiếu niên có sử dụng bao cao su khi quan hệ. Bên cạnh đó, 42,9% cho rằng có thể gặp người nhiễm HIV, 29.4% có thể gặp người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục ở địa phương mình; 30% thanh thiếu niên không biết đến nạo phá thai có thể để lại hậu quả xấu hoặc 28,8% thanh thiếu niên không biết đến một biện pháp phòng tránh bệnh lây truyền đường tình dục nào…
Thanh thiếu niên vẫn mơ hồ về con đường lây nhiễm virus HIV, tuổi quan hệ tình dục ngày càng sớm… cho thấy nguy cơ lây nhiễm HIV trong thanh thiếu niên vẫn đang hiện hữu. Thiết nghĩ, việc bảo vệ giới trẻ trong một thế giới có AIDS không chỉ là khẩu hiệu mà phải trở thành nhu cầu thực sự.
V. Văn