Phòng chống Covid-19: Chuyển từ "phòng ngự" sang "tấn công"

GD&TĐ - Các địa phương đã triển khai quyết liệt, sáng tạo nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn, chuyển từ "phòng ngự" sang "tấn công"; lấy xã, phường, thị trấn làm "pháo đài", người dân là "chiến sỹ"...

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Xấp xỉ 2.100 trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19 

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh, trong báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch và tình hình thực hiện nghị quyết 30/2021/QH15 có nêu: tác động của đại dịch về sức khỏe, thể chất và tinh thần, tâm lý xã hội là rất lớn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ; việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề...

Ủy ban cho rằng, tác động về mặt xã hội của đại dịch rất lớn và chưa được đánh giá đầy đủ; có tình trạng lao động tự do phản ánh chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước; có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng “mắc kẹt” tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách. Có xấp xỉ 2.100 trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19, nhiều em trong số này có nguy cơ không được bảo đảm phát triển toàn diện.

Thực tế, Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình – nhấn mạnh: Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch Coivd-19.

Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết.

Theo đó, các địa phương đã triển khai quyết liệt, sáng tạo nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn. Chiến lược và các biện pháp phòng, chống dịch được quyết định nhanh, triển khai quyết liệt, cơ bản là phù hợp.

Chuyển từ "phòng ngự" sang "tấn công"; lấy xã, phường, thị trấn làm "pháo đài", người dân là "chiến sỹ", người dân là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch; kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân nhất, sát dân nhất; đã huy động một lực lượng lớn nhân viên y tế, quân đội, công an hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương có dịch.

Khoanh vùng, cách ly ở phạm vi hẹp nhất có thể; tiến hành xét nghiệm thần tốc với tốc độ nhanh hơn tốc độ lây nhiễm, khoa học, phù hợp, hiệu quả; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch, kết nối điều hành chỉ huy đến gần 100% các xã, phường, thị trấn vùng có dịch.

Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo thường xuyên, nỗ lực cao độ trong công tác ngoại giao vắc-xin, trong một thời gian ngắn đưa về nước được một lượng vắc-xin lớn để tiêm miễn phí cho Nhân dân, là một kỳ tích, một bước đột phá cực kỳ quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực vận động, hỗ trợ an sinh xã hội. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân là những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần "tương thân, tương ái" với những nghĩa cử cao đẹp, lan tỏa yêu thương, "lay động lòng người", thấm đẫm "tình đồng chí, nghĩa đồng bào", thể hiện sâu đậm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông đã chuyển tải kịp thời, chính xác, khá đầy đủ về công tác phòng, chống dịch. Tuyệt đại đa số người dân tin tưởng, ủng hộ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Chiến thắng đại dịch Covid-19 là chiến thắng của Nhân dân.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vắc-xin

Cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19 năm 2022 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Uỷ ban kinh tế do ông Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội nêu rõ:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội bình thường ở mức độ tối đa. Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Coivd-19 trong tình hình mới;

Đồng thời đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vắc-xin, sớm đạt miễn dịch cộng đồng; phát triển, nâng cao năng lực hệ thống y tế; xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình nghiên cứu vắc-xin; nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; kịp thời ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chính sách, bảo đảm tương xứng, điều kiện, tiêu chuẩn khả thi, quy trình, thủ tục được đơn giản hóa tối đa, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch;

Mặt khác, cân đối và phân bổ nguồn lực hiệu quả, tiết kiệm; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra. Tăng cường hỗ trợ, trợ giúp xã hội, nhất là với nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương.

Với những nỗ lực đó, đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh ở các địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ