Tăng giá sách giáo khoa, bạo lực học đường,… thu hút sự chú ý của dư luận

GD&TĐ - Các vấn đề liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia 2019, tăng giá sách giáo khoa, bạo lực học đường,… là những nội dung giáo dục được dư luận tuần qua quan tâm.

Sách giáo khoa được điều chỉnh tăng nhẹ (Ảnh minh họa)
Sách giáo khoa được điều chỉnh tăng nhẹ (Ảnh minh họa)

Tăng giá sách giáo khoa

NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đã có thông báo chính thức về việc điều chỉnh giá sách giáo khoa (SGK) năm học 2019 – 2020. Theo đó, giá bán của các bộ SGK năm học 2019 – 2020 (phát hành từ 1/4/2019) sẽ được điều chỉnh tăng bình quân từ 1.000đồng – 1.800đồng/cuốn. 

Bảng giá SGK từ lớp 1 đến lớp 12 được niêm yết công khai tại các cửa hàng sách của NXBGDVN, các công ty Sách - Thiết bị trường học cả nước và trên webiste của NXBGDVN tại địa chỉ: www.nxbgd.vn.

SGK phục vụ năm học 2019-2020 sẽ bắt đầu được phát hành từ tháng 4/2019. Năm nay, NXBGDVN thực hiện kiện toàn lại hệ thống cửa hàng đảm bảo luôn đầy đủ SGK phục vụ học sinh tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước. NXBGDVN thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết kịp thời mọi khúc mắc về nhu cầu mua SGK của học sinh và phụ huynh.

Bên cạnh đó, NXBGDVN luôn quan tâm tới con em các gia đình chính sách, vùng sâu vùng xa. Dự kiến năm 2019, NXBGDVN sẽ tặng 25.000 bộ SGK cho con gia đình thương binh - liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức cuộc vận động quyên góp, ủng hộ SGK, STK đã qua sử dụng tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng thư viện và tủ sách dùng chung. Đồng thời, dự trữ SGK để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có thiên tai, bão lụt xảy ra.

Danh mục SGK của từng lớp được in trên bìa 4 của mỗi cuốn sách SGK để phụ huynh và học sinh có thể căn cứ vào đó chọn mua đúng tên, số lượng SGK theo danh mục quy định. Để tăng tỉ lệ sử dụng lại SGK, NXBGDVN đã thực hiện in dòng khuyến cáo: “Hãy giữ gìn SGK để dành tặng cho các em học sinh lớp sau” trên trang 1 của tất cả các cuốn SGK.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Lưu ý về Kỳ thi THPT quốc gia 2019

Theo hướng dẫn tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2019 của Bộ GD&ĐT, các thí sinh sẽ bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) từ ngày 1/4/2019 đến 20/4/2019. Sau ngày 20/4, thí sinh không được thay đổi Điểm thi và các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký.

Kỳ thi THPTQG 2019 tổ chức 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân – với thí sinh học chương trình THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý với thí sinh học chương trình GDPT cấp THPT). Các bài thi đều theo hình thức trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn thi tự luận.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh GDTX phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tổ hợp.

Thí sinh được chọn đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp. Điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài tổ hợp thì bắt buôc phải thi cả 2 bài thi này; nếu bỏ 1 trong 2 bài sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh GDTX có thể chọn đăng ký dự thi cả bài thi Ngoại ngữ để dùng điểm bài thi này xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TC; không dùng để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TC, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ, TC.

Kỳ thi THPTQG 2019 sẽ diễn ra vào các ngày: 24, 25, 26, 27/6/2019.

Nghiêm khắc với vấn đề bạo lực học đường

Khi nhận được thông tin báo cáo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về làm việc với tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhắn tin, gọi điện trực tiếp yêu cầu Bộ trưởng và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc. 

Liên quan đến vụ việc nữ sinh ở Hưng Yên bị đánh hội đồng, sáng 31/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với nhà trường và các ban ngành liên quan của tỉnh Hưng Yên.

“Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, đau lòng, ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên sáng 31/3.
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên sáng 31/3.

Bộ trưởng cho rằng, qua sự việc cho thấy, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm chưa ý thức hết chức trách, nhiệm vụ được giao, chưa chủ động nắm bắt tình hình, chưa sát sao với học sinh và các hoạt động của nhà trường. Lãnh đạo nhà trường đã buông lỏng quản lí, khi sự việc xảy ra chỉ nghe báo cáo, không có các giải pháp xử lý triệt để, kịp thời.

“Với vai trò là hiệu trưởng, là giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô phải có trách nhiệm sát sao nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh. Nếu có trường hợp học sinh cá biệt phải kịp thời có biện pháp hỗ trợ. Các thầy cô cần phải quan tâm hơn đến các em, khi thấy có dấu bất thường phải phối hợp với gia đình để có biện pháp giáo dục thích hợp” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường cùng nhiều chính sách khác. Tuy nhiên, qua thực tế, cần xem xét việc quán triệt các văn bản này đã đến địa phương, đến giáo viên chưa, các cấp quản lí ở huyện, ở xã đã vào cuộc chưa, đã kiểm tra giám sát chưa?

“Tôi đề nghị, Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu không hoàn thành nhiệm vụ thì xem xét cho thôi. Đây là bài học không chỉ cho ngành giáo dục Hưng Yên mà là bài học chung cho cả nước” - Bộ trưởng nêu rõ.

Qua đây, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương, các nhà trường nhận thức sâu sắc về trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường, có các giải pháp quyết liệt để không tái diễn các trường hợp tương tự. Ban Giám hiệu, giáo viên các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm các quy định để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tạo niềm tin cho phụ huynh gửi con đến trường.

Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên điều tra làm rõ sự việc, xử lý nghiêm sai phạm, sớm ổn định tình hình để các thầy cô chuyên tâm dạy dỗ, chăm lo cho học sinh. Bộ trưởng đề nghị chính quyền địa phương, các thầy cô giáo quan tâm, thăm hỏi, động viên hỗ trợ tối đa để em Yến sớm ổn định tâm lý, sớm trở lại học tập bình thường.

Chuyến công tác này được coi là động thái kịp thời của Bộ GD&ĐT, thể hiện sự quyết liệt trong việc xử lý các tiêu cực trong ngành giáo dục, trong đó có vấn đề bạo lực học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.