Phơi sách

GD&TĐ - Lũ vừa dứt, trời hửng nắng. Một thoáng ngang qua ngôi nhà của thầy giáo tôi thấy cả một sân sách.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Một cơ ngơi sách nằm ngổn ngang phơi dưới nắng vàng. “Thiên hạ phơi lúa, thầy phơi sách”. Lòng tôi lại nhớ những ngày ông tôi phơi sách sau lũ.

* * *

Tháng 9 năm ấy, trời nổi mưa tầm tã như trút cơn giận và thể hiện quyền lực oai phong của mình để trừng phạt cõi nhân gian. Mưa kéo dài cả tuần, càng ngày nước càng dâng cao, lúc đầu vào sân, vào nhà rồi “bò” lên giường, lên mặt bàn… Chiếc bàn bồng bềnh nghiêng đảo làm đổ cả khay trà.

Giường, phản, ghế… thi nhau nổi là trên mặt nước. Lúa, gạo, khoai chạy đua với ngấn lũ, cuối cùng không còn chỗ cao hơn nên đành nằm lại với nước. Bà, mẹ cùng với cô út lúc đầu tập trung chăm lo cho các thứ ấy, với mấy con gà, con heo.

Còn ông và chú tôi thì tập trung vào cứu nguy cho mấy tủ sách “gia bảo” của gia đình. Sách từ giá, từ kệ, từ trong chiếc tủ thờ lần lượt đi ra với chiếc bàn to giữa nhà. Nhưng khi nước dâng, ông nội phải cùng chú rút mấy tấm phản, kéo bắc ngang qua hai thanh xà kèo của ngôi nhà để đưa sách lên.

Ấy vậy mà vẫn không kịp... Cuối cùng sách cũng chung số phận với lúa, gạo, sắn, khoai… tất cả đều ướt sũng. Khi ông trời ngưng cơn thịnh nộ, cũng là lúc bà con trong làng tất bật đổ các thứ bị ướt ra phơi. Bà, mẹ cùng cô út lo hong phơi lúa, gạo để có cái ăn.

Riêng ông hình như không quan tâm gì đến các thứ ấy. Gương mặt ông lúc nào cũng trầm ngâm có khi gần như thất thần sợ mất điều gì còn to hơn cả bạc vàng, ông nhường cái sân gạch để bà phơi lúa, còn mình ra vườn kê liếp, giấy nhựa để phơi sách.

Sách hồi đó không như bây giờ, toàn là giấy mỏng, vàng ố, có cả một số sách bằng “giấy dó” với những dòng chữ Nho, trong đó có cả trích lục, phân thơ. May sao tập “Phú chí” nằm trong chiếc hộp son đỏ trên bàn thờ tổ tiên không bị nước vào. Vì giấy xấu nên tập nào tập nấy đều sũng ướt, cầm lên nước chảy ròng ròng.

Ông tôi không nhờ ai giúp, ông sợ mạnh tay thì giấy sẽ mủn. Phơi được hai ngày, ông bảo tôi ra giúp ông đảo sách. Ông dặn, tay phải nhè nhẹ lật giở từng trang, không được để rách tí nào. Đêm đến, ông căng bạt, che lều bằng những tấm ni-lon và thắp cả đèn ở đó để canh.

Tôi vừa giúp ông vừa lướt qua các truyện như Tây du ký, Tam Hạ Nam Đường, Phong Thần, Thủy hử, Đông Chu liệt quốc, Hán Sở tranh hùng… Còn đống sách thuốc đông y (ông tôi vốn là thầy thuốc đông y), phân thơ, trích lục, khoa học, thiên văn, địa chí, tử vi, tướng số… tôi không màng đến vì hầu hết là chữ Nho, đọc cũng chẳng hiểu gì.

* * *

Qua đợt lụt ông “phát hiện” tôi là một đứa mê sách. Từ đó, mỗi khi có dịp xuống phố huyện gom thuốc Bắc về bán, ông mua vài cuốn truyện cho tôi. Hằng đêm, mỗi khi tôi học xong, ông bảo đọc cho ông nghe như: Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh – Xuân Nương, Thạch Sanh, Quan âm Thị Kính, Trần Minh khố chuối…

Ông hướng dẫn cho tôi đọc các sách về đạo Nho viết về Mạnh Tử, Nhan Hồi, Tử Lộ. Đọc xong ông hỏi: “Cháu đọc có hiểu gì không?” Có chỗ tôi hiểu, có chỗ tôi không. Chỗ nào không hiểu được ông giảng giải.

Cứ thế, mỗi đêm mỗi ít “Truyện của sách, lời của ông” dần dần chảy vào người tôi. Khi lớn lên, dần theo năm tháng tôi mới đọc hết được những cuốn sách ông để lại. Đọc hết thôi, chứ hiểu và làm theo thì quãng đời đã qua và thời gian còn lại của đời người chưa hẳn làm được.

Chỉ ngần ấy thôi, mà đã gần năm mươi năm trôi qua tôi vẫn còn nhớ mãi. Nhớ những đêm cùng ông đọc sách dưới ánh đèn dầu đỏ quạch, nhớ cùng ông đọc thơ, giảng Kiều... Nhớ những ngày cùng ông phơi sách trên nền bãi bồi phù sa sau lũ. Và tôi nghĩ sách cũng như phù sa luôn nẩy mầm xanh cho đời…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ