Các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đã khoanh vùng 246 lô đất ở sát sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn) vào diện nghi vấn. Trong ảnh: Bản đồ phân lô các biệt thự gần sân bay Nước Mặn. |
Trong hồ sơ, đây là những lô đất do các cá nhân Việt Nam đứng tên nhưng phía sau lại là người Trung Quốc. Trong ảnh: Bên phải là sân bay Nước Mặn còn phía đối diện là các khu biệt thự của người nước ngoài. |
Trao đổi với Zing.vn, các tướng lĩnh quân đội về hưu đều tỏ ra lo lắng vì đây là vùng "nhạy cảm" liên quan đến an ninh quốc phòng. |
Chỉ cách các lô đất một bức tường cao khoảng 3 m là sân bay Nước Mặn. Mặc dù nơi này đã được một đơn vị tư nhân thuê làm du lịch, nhưng trên thực tế nó vẫn là sân bay quân sự và thuộc quyền quản lý của Vùng 3 Hải quân. |
Sau khi hợp thức hóa, chủ các lô đất đã xây dựng khách sạn, nhà nghỉ cao khoảng 18 - 20 tầng. Chỉ cần đứng ở tầng 7 các tòa nhà này, có thể thấy hết mọi hoạt động trong sân bay. "Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, vì sân bay này vẫn là nơi tác chiến phòng thủ của các đơn vị quân đội", thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5 lo lắng. |
Còn đại tá Nguyễn Lành - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 375 - Quân chủng Phòng không không quân, cho biết: Tuyệt đối không được để cho bất cứ cá nhân, đơn vị nào xây dựng các tòa nhà cao hơn 12 m sát sân bay. |
Theo đại tá Lành, việc xây các khách sạn sát sân bay như thế này sẽ vô hiệu hóa sức tấn công, phòng thủ của tên lửa, pháo phòng không; việc cất hạ cánh các máy bay chiến đấu cũng không thực hiện được. |
"Theo quan sát của tôi, ở ngay sát sân bay có nhiều tòa nhà cao khoảng 50 m thì xem như sân bay Nước Mặn đã bị tê liệt, không còn khả năng tấn công, phòng thủ tuyến đường ven biển Đà Nẵng", ông Lành nói. |
Nhiều chuyên gia quân sự khác cũng nói rằng, cách tốt nhất là chính quyền Đà Nẵng có giải pháp thu hồi lại các lô đất nghi đã rơi vào tay người Trung Quốc. "Đất ở sát sân bay, không được bán cho bất cứ ai. Nếu rơi vào tay kẻ khác thì rất nguy hiểm. Tuyệt đối không để họ xây khách sạn, lấy vợ sinh con và thành lập phố Tàu ở tuyến đường ven biển Đà Nẵng", thiếu tướng Trần Minh Hùng nói. |
Đây là một khách sạn 5 sao cao khoảng 30 tầng do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Sliver Shores (có giám đốc là người Trung Quốc) thực hiện. Dự án này chỉ cách sân bay Nước Mặn khoảng 50 m. |
5 năm trước, Công ty Silver Shores khánh thành, đưa vào hoạt động khu du lịch quốc tế với tổ hợp khách sạn 5 sao cùng khu vui chơi giải trí có thưởng (casino) chỉ dành cho người nước ngoài. Đây cũng là nơi tập trung nhiều người Trung Quốc làm việc. |
Sau khi xây khách sạn ở sát sân bay, họ chỉ đón tiếp khách du lịch người Trung Quốc. Còn các cá nhân người Việt vào đây thì nhân viên đều đưa ra lý do hết phòng. |
Biển hiệu của các nhà hàng, khách sạn ở đây đều có chữ Trung Quốc và các ký tự bằng số rất lạ. Nhiều người lo ngại nếu chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn thì trong tương lai không xa, ở tuyến đường ven biển Đà Nẵng sẽ xuất hiện phố Trung Quốc. |
Để kiểm chứng những hoài nghi trên, phóng viên đã ghé vào một quán massage thì ngay lập tức bị mời ra ngoài. |
Cổng sân bay Nước Mặn. |