Phố tranh chép ở Sài thành

GD&TĐ - Khoảng từ năm 2000 trở lại đây, nghề chép tranh ở TPHCM nở rộ với vô số các gallery (phòng tranh) đua nhau mọc lên. Tập trung đông nhất, sầm uất nhất là ở đường Trần Phú (quận 5) - được mệnh danh là phố tranh chép với khoảng 70 phòng tranh cùng hàng trăm người đang hành nghề.

Một phòng chép tranh trên đường Trần Phú
Một phòng chép tranh trên đường Trần Phú

Phong phú, đa dạng

Đến các phòng tranh ở đường Trần Phú, khách mua tranh có thể bắt gặp ở đây hàng loạt tranh của các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam và của các danh họa thế giới.

Đó là Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân; Em Thúy của Trần Văn Cẩn, tranh phố cổ Hà Nội - Phố Phái - của Bùi Xuân Phái; Nàng Mona Lisa của Leonardo de Vinci (Ý)...

Tất cả những họa phẩm nổi tiếng trên đều được nhân bản với một trình độ sao chép công phu chất lượng cao, màu sắc tốt, những người không am hiểu và sành điệu về nghệ thuật hội họa rất khó phân biệt giữa tranh chép và tranh gốc.

Nếu như giá tranh gốc của những kiệt tác ấy hàng triệu USD thì người chơi tranh chép chỉ cần bỏ ra từ 50 USD đến 80 USD là sở hữu ngay Nàng Mona Lisa có nụ cười đầy bí ẩn... Đối với tranh của các họa sĩ danh tiếng Việt Nam còn có giá mềm hơn. Những bức tranh về phố cổ của Bùi Xuân Phái, khổ 50cm x 70cm, hay Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân, khổ 50cm x 70cm, giá từ 500.000đ – 800.000 đồng (tùy chất lượng bình thường hay cao cấp).

Những tay cọ chép tranh chuyên nghiệp

Những tay cọ chép tranh chuyên nghiệp

Nghề lắm công phu

Chép tranh là một nghề cũng lắm công phu như các nghề chạm khắc, thêu tranh mỹ nghệ... Ngoài sự công phu, tỉ mẩn, người chép tranh phải có con mắt thẩm mỹ, năng khiếu và sự đam mê về hội họa. Hiện nay “lực lượng” tham gia vào đội ngũ chép tranh ở Sài thành nói chung và ở phố tranh chép Trần Phú nói riêng rất đa dạng về thành phần xuất thân.

Trong số hàng trăm tay cọ chép tranh mưu sinh chỉ có số ít là các họa sĩ chuyên nghiệp, ngoài ra đa phần là họa sĩ nghiệp dư, sinh viên mỹ thuật, kiến trúc và những người chủ yếu là học vẽ theo cách truyền nghề từ người thân trong gia đình kiểu cha truyền con nối.

Anh Đinh Văn Điền (quê Hải Hậu, Nam Định) là một tay cọ được truyền nghề từ người cha và là thế hệ thứ 4 trong gia tộc theo nghề vẽ, hiện là chủ phòng tranh Minh Song số 234 Trần Phú. Anh Điền cho biết, đường Trần Phú hiện có khoảng trên 70 phòng tranh chép với hàng trăm người chép tranh, thì trong số đó có khoảng 2/3 chủ phòng tranh và người chép tranh là từ Nam Định vào hành nghề theo nhóm gia đình, dòng tộc.

Nói chung, sao chép tranh dòng cao cấp phục vụ nhu cầu của khách sưu tập sành điệu cả ta lẫn Tây đòi hỏi phải rất dụng công về tay cọ và thực sự rung cảm thăng hoa về tâm hồn. Một số phòng tranh trên đường Trần Phú, ngoài chép tranh nghệ thuật, vẽ chân dung, tranh sơn dầu… còn nhận làm tranh sơn mài, tranh thêu tay, tranh phù điêu và tranh tường…

Thu nhập trung bình của một người thợ chép tranh khoảng từ 3.000.000 – 4.000.000 đồng/người/tháng, nếu hành nghề lâu năm, có tay nghề cao được khoảng 5.000.000 – 6.000.000 đồng/người/tháng. Là người đã có hơn 10 năm trong nghề, anh Điền bảo, kể từ ngày loại tranh in khổ lớn của Thái Lan không còn được người chơi tranh ưa chuộng như những năm 90 của thế kỷ trước thì nghề chép tranh có cơ hội vươn lên và người hành nghề sống được nghề này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.