Bản quyền nghệ thuật: Thật, giả lẫn lộn

GD&TĐ - Tuần qua, câu chuyện tác phẩm “Biển chết” của tác giả Nguyễn Nhân vi phạm bản quyền đang khiến dư luận quan tâm. Sự việc một lần nữa cho thấy quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam mặc dù đã được nhắc đến từ lâu nhưng cho đến nay vẫn đang là “vấn nạn” chung trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật khi đạo nhái, sao chép ý tưởng, làm giả… vẫn đang gây nhức nhối dư luận xã hội.

Bản quyền nghệ thuật:  Thật, giả lẫn lộn

Bức ảnh gây tranh cãi

Sau những tranh cãi trái chiều về việc bức tranh “Biển chết” của họa sĩ Nguyễn Nhân (phóng tác hay vi phạm bản quyền tác giả?), chiều 3/7, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh tổ chức họp báo công bố thông tin về việc xử lý kỷ luật đối với họa sĩ Nguyễn Nhân liên quan đến vụ vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ trong tác phẩm “Biển chết”.

Cuộc thi Sáng tác Mỹ thuật năm 2016 của tỉnh đã trao giải Ba cho tác phẩm “Biển chết” của họa sĩ Nguyễn Nhân. Tuy nhiên, gần đây, nhà báo Thành Quang đã liên lạc, thông tin đến BTC cuộc thi cho rằng, bức tranh “Biển chết” của họa sĩ Nguyễn Nhân có dấu hiệu sao chép lại tác phẩm nhiếp ảnh “Điêu đứng vì biển chết” của tác giả được đăng trên báo Thanh niên, số ra ngày 21/4/2016.

Sau khi ra quyết định kỷ luật họa sĩ Nguyễn Nhân, Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh còn tiếp nhận được một bức ảnh chụp lại từ tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Thế Anh (Hà Nội) có tên là “Sông chết”, tác phẩm đạt Huy chương Bạc của Hội đồng Nghệ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2010. Như vậy, họa sĩ Nguyễn Nhân không chỉ sao chép tác phẩm ảnh của nhà báo Thành Quang mà còn sao chép tranh của họa sĩ Lê Thế Anh.

Theo ông Lê Văn Bài, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh cho rằng, sau khi đã thu thập chứng cứ từ các vi phạm của họa sĩ Nguyễn Nhân và cân nhắc trên cả quá trình làm việc như trên, việc ra quyết định kỷ luật đối với họa sĩ Nguyễn Nhân là hoàn toàn đúng quy trình, hợp tình, hợp lý, không phải là một quyết định vội vàng.

Ảnh đăng báo (trên) và tranh của họa sĩ Nguyễn Nhân (dưới)
Ảnh đăng báo (trên) và tranh của họa sĩ Nguyễn Nhân (dưới)
 

“Cuộc chiến” bao giờ có hồi kết?

Vụ lùm xùm bản quyền quanh bức tranh “Biển chết” cho thấy sau 13 năm “hội nhập” về bản quyền, nhận thức của cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế. Nhắc tới vấn đề bản quyền, dù là bản quyền ở lĩnh vực nào, vẫn là câu chuyện làm nhiều người lắc đầu ngán ngẩm. Luật chưa đủ sức răn đe, việc áp dụng những phương thức quản lý cũng như áp dụng công nghệ chống xâm phạm bản quyền vẫn là chuyện nan giải ở nước ta.

Cuộc sống ngày càng phát triển, quá trình thương mại hóa diễn ra nhanh chóng khiến cho những giá trị văn hóa truyền thống vì thế cũng bị kéo theo. Thật, giả lẫn lộn, khó phân định. Có những tác phẩm hội họa lại không phải là “độc bản” cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó phân định thật giả và tranh giả vì thế vẫn ngang nhiên trôi nổi trên thị trường.

Hiện tượng nổi bật trong việc vi phạm bản quyền mỹ thuật được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua là nạn sao chép để tham gia giải thưởng. Thiết nghĩ, một điều vô cùng quan trọng, trước hết phải là ý thức của người làm nghề.

Họa sĩ Nguyễn Lan Hương, giảng viên Trường ĐH Hòa Bình cho rằng, nạn vi phạm bản quyền đang ngày càng trở nên phổ biến, vì thế nên đưa vấn đề tác quyền vào giảng dạy cho sinh viên các trường nghệ thuật để các em ý thức về nghề và biết bảo vệ quyền lợi của mình sau này. Đã đến lúc các nhà quản lý không thể trì hoãn việc ban hành chế tài xử phạt thích đáng. Cần có liều thuốc mạnh tay hơn nữa diệt tận gốc căn bệnh mãn tính này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ