Tuy nhiên, những cố gắng của các thế hệ họa sĩ đương đại hiện nay cũng đang hướng tới một nền mỹ thuật Việt Nam có chất lượng và vươn ra hội nhập với thế giới.
Còn nhiều khó khăn
Nhiều chuyên gia trong giới mỹ thuật đã cho rằng, việc sao chép tranh giả là một trong những nguyên nhân khiến cho nền Mỹ thuật Việt Nam chậm phát triển. Thậm chí việc một số họa sĩ đã có tiếng nhưng có xu hướng lặp lại chính mình trong phong cách vẽ đã làm mất đi sự đổi mới sáng tạo, nên Việt Nam không phải là thị trường mỹ thuật tốt.
Chính vì thế, người hoạt động tranh chuyên nghiệp không mấy quan tâm đến thị trường tranh VN. Trên thực tế, nền mỹ thuật Việt Nam chưa vươn xa được với thế giới và bản thân người Việt Nam chưa yêu quý những tác phẩm nghệ thuật của đất nước mình.
Chia sẻ về điều này, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, Việt Nam có thị trường mỹ thuật vì có hoạt động mua bán tranh và nơi mua bán là các gallery, kèm theo nhiều hoạt động như phê bình, nghiên cứu... Ngoài các nhà sưu tập, thời gian gần đây, các tổ chức, kể cả cơ quan Nhà nước, cũng mua tranh. Tuy nhiên, theo họa sĩ, thị trường hiện thiếu thành phần quan trọng, đó là nhà đầu tư nghệ thuật người Việt.
Một chủ Gallery tranh trên phố hàng Khay (Hà Nội) đã bày tỏ: Rất ít khi cửa hàng bán được tranh cho người Việt Nam. Phần lớn tranh bán được là cho khách quốc tế hoặc những người có nhu cầu mua để biếu, tặng trong những chuyến đi công tác ra nước ngoài. Người Việt Nam thường chỉ có nhu cầu mua tranh chép với giá trên dưới một triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều người lại sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua tranh đá quý về treo theo ý nghĩa phong thủy. Theo giám tuyển phụ trách phòng tranh thì hơn 90% họa sĩ bán tranh qua các gallery chủ yếu là ký gửi. Giá bán tranh thường chia đôi, nửa cho tác giả, nửa thuộc về gallery theo thỏa thuận trước. Rõ ràng, thị trường tranh Việt Nam đang bị bó hẹp, người Việt Nam thì không mấy mặn mà với hội họa, còn khách quốc tế lại ngại ngần trước một thị trường tranh tại Việt Nam.
Kỳ vọng vươn ra thế giới
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - Bộ VH-TT&DL, đã cho biết: Để giải quyết những khó khăn và tạo điều kiện cho nền mỹ thuật Việt Nam phát triển, trong quy hoạch phát triển ngành mỹ thuật đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có nội dung thành lập bảo tàng mỹ thuật đương đại ở Hà Nội và năm bảo tàng mỹ thuật ở các thành phố lớn. Như vậy, đây cũng là môi trường để ngành mỹ thuật của Việt Nam phát triển.
Mong muốn thúc đẩy sự phát triển của nền mỹ thuật hiện đại và để đưa công chúng đến gần hơn với hội họa, nhiều triển lãm và dự án mỹ thuật đã được ra mắt công chúng. Sau thành công của tranh Tết Art 2015, tranh Tết ART 2016 đã được tổ chức. Đây là cơ hội cho người yêu nghệ thuật cùng các nhà sưu tập có thể trải nghiệm, tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao nhất từ nhiều họa sỹ và gallery uy tín.
Với chủ đề “Tinh hoa hội tụ”, hội chợ nghệ thuật này là sân chơi quy tụ nhiều gương mặt nghệ sỹ gạo cội, những tác giả có tầm ảnh hưởng lớn cùng các tài năng trẻ sáng nhất, có những đóng góp lớn trong chặng đường phát triển nghệ thuật hiện đại và đương đại Việt Nam. Hơn 200 tác phẩm xuất sắc và mới nhất được sáng tạo bởi trên 100 nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế, được tuyển chọn gắt gao xuất hiện trong một mô hình quảng bá nghệ thuật mới mẻ đã tạo nên một lực hút mạnh với giới nghề, các nhà sưu tập và đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.
Để từng bước đưa nền mỹ thuật của Việt Nam tiếp cận với khách quốc tế và tiến tới hội nhập mạnh mẽ hơn với thế giới, hàng loạt các cuộc triển lãm mỹ thuật giao lưu cũng đã được tổ chức ở trong và ngoài nước. Như triển lãm giao lưu của nhóm họa sĩ Việt Nam - Malaysia - Thái Lan; Triển lãm giao lưu sơn mài Việt Nam - Hàn Quốc; Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam tại Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Singapore… đặc biệt là cuộc gặp gỡ hữu nghị giữa lãnh đạo Hội Mỹ thuật ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia vào tháng 12/2015.