Bên cạnh tranh gốc thì tranh phái sinh, tranh chép cũng được nhiều phòng tranh bày bán song mức giá thấp hơn nhiều so với tranh gốc. Song vấn đề quản lý việc sao chép tranh cần được đặt ra khi nạn tranh giả vẫn đang gây nhức nhối dư luận.
Muôn vẻ tranh chép
Dọc các con phố như Nguyễn Thái Học, Hàng Bè, Tràng Tiền, Mã Mây (Hà Nội) là nơi tập trung đông đảo các gallery tranh. Phần đông những người chép tranh là các sinh viên Khoa Mỹ thuật và có cả những họa sĩ cũng tham gia công việc này.
Các dòng tranh bày bán khá đa dạng từ tranh phong cảnh, tĩnh vật đến tranh phong thủy để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, những năm trở lại đây, thị trường tranh phong thủy, tranh décor (tranh trang trí nội thất) lại được ưa chuộng hơn cả.
Các tranh được chép nhiều nhất là của các danh họa nổi tiếng trên thế giới như Van Gogh, Picasso… và tranh của các họa sĩ Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân...
Bởi đây là lớp họa sĩ đã khẳng định được tên tuổi trên thế giới, đã qua đời, tác phẩm của họ trở thành quý bởi ngoài giá trị nghệ thuật còn vì lý do số lượng. Độ quý hiếm của các tác phẩm hội họa ấy được định giá bằng những con số “khủng”, có khi lên đến hàng triệu USD. Chính vì vậy, nhiều người vẫn thích bỏ một số tiền nhỏ để có được những bức tranh chép.
Trong vai một khách tìm mua tranh, chủ một Gallery trên phố Nguyễn Thái Học cho biết: Giá tranh một bức tranh chép thông thường dao động từ 500.000 đồng - 2 triệu, có một số bức có thể tới hơn chục triệu đồng tùy thuộc vào kích thước và sự công phu khi sao chép.
Ngoài khách Việt Nam mua về để treo trong nhà, thì khách Tây cũng hay tìm chọn mua để làm quà tặng. Với mức giá vừa phải nên nhiều người tiêu dùng chọn mua cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để chọn được bức ưng ý, người mua thường đặt hàng với chủ của hàng tranh.
Quy chế đang bị phớt lờ
Bất cứ họa sĩ nào cũng đều gửi gắm tâm sự của mình vào những tác phẩm nghệ thuật riêng. Đa số ai cũng mong muốn được sáng tạo nghệ thuật và sống bằng đam mê cũng như tài năng của mình.
Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải lúc nào cũng được như ý muốn. Bởi môi trường nghệ thuật thường khắc nghiệt, cộng thêm cuộc sống mưu sinh hàng ngày nên không phải ai cũng được trọng vẹn với những gì mình mong muốn.
Một họa sĩ trải lòng: Tôi luôn ấp ủ tình yêu hội họa với những bức tranh mà mình sáng tác; tuy nhiên tôi phải vẫn thực hiện công việc chép tranh nếu có người đặt hàng; bởi chính công việc này có thể giúp anh nuôi dưỡng ước mơ của mình.
Hiện bức tranh của họa sĩ này đang chép được khách đặt với giá một triệu rưỡi. Với anh thì việc chép tranh cũng luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ cẩn thận vì có như vậy mới có sản phẩm giống nhất với nguyên bản.
Theo họa sĩ, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Vi Kiến Thành: Tranh chép cũng là hoạt động hoàn toàn hợp pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khi muốn trang trí, thưởng lãm nghệ thuật với mức chi phí thấp.
Tất nhiên, tranh chép buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó phải đề rõ là tranh chép, phải được họa sĩ đồng ý hoặc buộc phải sau bao nhiêu năm mới được chép…
Thực tế, trên thị trường tranh Việt hiện nay, những cửa hàng bán tranh chép nhưng không rõ ràng thông tin, không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật tồn tại.
Tuy nhiên, việc chủ cửa hàng không đề rõ ràng là tranh chép khiến người mua không am hiểu hội họa có thể nhầm lẫn hoặc sao chép tác phẩm nhưng không xin phép họa sĩ hoặc tuân thủ các quy định khác của pháp luật vẫn diễn ra hàng ngày.
Gần đây hiện tượng nạn tranh giả trà trộn tại những cuộc triển lãm tranh dẫn đến những đảo lộn về giá trị nghệ thuật khiến dư luận bất bình. Vì vậy, cũng cần đặt ra vấn đề quản lý việc sao chép tranh như thế nào để tuân thủ theo đúng quy định pháp luật.