Tinh thần và giá trị của việc đổi mới mô hình quản trị ĐH ở Việt Nam
Phó Thủ tướng cho rằng, nếu có gì đó để nói về tinh thần và những giá trị của Trường ĐH Việt - Pháp trong những năm vừa qua, trước hết phải nói đến tinh thần và giá trị của việc đổi mới mô hình quản trị ĐH ở Việt Nam.
Tại Pháp, châu Âu và thế giới, việc đổi mới mô hình quản trị ĐH là bình thường nhưng ở Việt Nam, điều đó có ý nghĩa bước ngoặt vì trước đó các trường ĐH của Việt Nam thường trực thuộc các bộ, ngành, các tỉnh và gần như được quản trị gần giống cơ quan hành chính.
Và những mô hình quản trị ban đầu như Trường ĐH Việt - Pháp, Trường ĐH Việt Đức và một số trường ĐH khác ở Việt Nam đã mở ra cách nhìn nhận mới không chỉ trong cơ quan nhà nước mà trong toàn xã hội về sự cần thiết, có thể nói là không thể thiếu được của việc tự chủ ĐH.
Theo Phó thủ tướng, điều này không chỉ để giảm bớt sự can thiệp mang tính hành chính của các cơ quan nhà nước vào môi trường đào tạo, nghiên cứu mà còn đổi mới cơ chế quản lý bản thân bên trong trường ĐH, để tự chủ được đưa xuống tận từng khoa, giáo viên và tận sinh viên. Chính nhờ mô hình như ĐH Việt - Pháp, quá trình thúc đẩy việc tự chủ của Việt Nam được nhanh hơn.
Trường ĐH phải là nơi sáng tạo ra tri thức
Trước đây tại Việt Nam, phần lớn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thuộc các viện nghiên cứu công lập trực thuộc các bộ, các ngành, trong khi các trường ĐH rất ít quan tâm và không có nhiều điều kiện để thực sự trở thành những trung tâm nghiên cứu khoa học của đất nước.
Nhắc đến điều này, Phó Thủ tướng cho rằng, nhờ những mô hình như Trường ĐH Việt - Pháp và các chỉ đạo tiếp theo mà tới ngày hôm nay, các trường ĐH ở Việt Nam đã nhận rõ sứ mệnh của mình là phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, là nơi sáng tạo ra tri thức; và nhờ vậy trong những năm gần đây các công bố quốc tế của Việt Nam liên tục tăng rất nhanh.
Từ chỗ chỉ có 1 vài phần trăm các công trình nghiên cứu được đăng ở các tạp chí uy tín thuộc các trường ĐH - thì 3 năm gần đây 80% số công trình nghiên cứu xuất phát từ các trường ĐH.
Bên cạnh các cơ sở giáo dục ĐH lớn như ĐH Quốc gia, Trường ĐH Bách khoa, 1 số các trường ĐH có quy mô không lớn lắm như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Phenikaa và Trường ĐH Việt - Pháp nhưng đã có rất nhiều công bố quốc tế và được cộng động khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Dự lễ kỉ niệm còn có Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân và nhiều quan khách. Đại diện Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đến dự buổi lễ. |
Không có con đường nào khác là tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển KHCN
Nói riêng về Trường ĐH Việt – Pháp, Phó Thủ tướng cho rằng: Nếu nói đến biểu tượng hay giá trị khác của ĐH Việt - Pháp thì đó là biểu tượng, là sự hợp tác của hội nhập quốc tế. Với sự hỗ trợ đặc biệt của chính phủ 2 nước, của các cơ quan, các trường ĐH của 2 nước, ĐH Việt - Pháp có điều kiện tốt hơn để thực hiện việc hội nhập trên tinh thần kiểm định và đạt chất lượng quốc tế, và có nhiều văn bản thỏa thuận với các đối tác nước ngoài. Giá trị đó hiện nay đã được nhiều trường ĐH ở Việt Nam nhìn vào và cùng noi theo.
Trường ĐH Việt - Pháp không chỉ là nơi chuẩn mực kiến thức, là nơi các sinh viên tiếp cận cơ sở thực hành chất lượng cao, hay sự hợp tác cả về tinh thần, vật chất của các doanh nghiệp, mà còn phải là sự kết hợp thế mạnh của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để Trường từng bước nhanh chóng và chắc chắn trở thành 1 trung tâm nghiên cứu có uy tín không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới.
Sứ mạng thứ hai của Trường được Phó Thủ tướng lưu ý, đó là phải nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên với tư cách là người trong cuộc phải được đưa vào từng sinh viên, từng giảng viên nhà trường và từ đó lan ra ngoài xã hội.
Giá trị thứ 3 cũng là biểu tượng, đóng góp hết sức quan trọng, đó là Trường ĐH Việt - Pháp là một trong những dự án điển hình trong việc hợp tác giữa 2 nước Việt Nam và Pháp.
“Tương lai của nhà trường gắn với trách nhiệm còn ở phía trước. Chúng ta đều biết, Việt Nam mặc dù đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ trong những năm gần đây nhưng vẫn chỉ là nước đang phát triển, có mức thu nhập trung bình. Chúng ta đều biết, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra và việc tranh thủ lợi thế của cuộc cách mạng này sẽ thuộc về những nước có tiềm lực khoa học, công nghệ và có nền giáo dục phát triển.
Việt Nam vẫn còn rất hạn chế về tiềm lực khoa học, công nghệ và giáo dục của Việt Nam, trực tiếp là giáo dục ĐH vẫn chỉ ở mức khoảng 70 trên thế giới. Chúng ta không có con đường nào khác là tập trung hơn nữa vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vào phát triển khoa học công nghệ. Và khi đó sứ mạng của các trường ĐH nói chung, đặc biệt là các trường như ĐH Việt Pháp là rất lớn” – Phó Thủ tướng chia sẻ.