Đại biểu Trung ương cùng dự có ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; ông Nguyễn Trí Dũng, Trợ lý Phó Thủ tướng.
Về đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc có bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Ban Đảng Tỉnh ủy; lãnh đạo đương nhiệm và nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc qua các thời kỳ cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể.
Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, 8 tháng đầu năm tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt trên 4.600 tỷ đồng, tăng 1,73% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 945 tỷ đồng, đạt 130% dự toán được giao. Huyện uỷ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời giải quyết vướng mắc mặt bằng dự án trên 70 dự án.
Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến, điểm trung bình thi vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 tăng 1,12 điểm so với năm trước, có 62 học sinh đỗ trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, đứng thứ 3 trong tỉnh. 42/42 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì và nâng cao chất lượng. UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong đầu tư cơ sở vật chất trường học; xây dựng cơ chế xã hội hóa và huy động nguồn lực cho phát triển giáo dục ...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh về những việc làm nổi bật của Vĩnh Phúc đã đạt được trong thời gian qua đó là: Chính sách miễn thủy lợi phí; Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; hỗ trợ các lĩnh vực văn hóa xã hội; hỗ trợ đất dịch vụ cho người dân... góp phần quan trọng ổn định xã hội, nâng cao cuộc sống người dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, trong thời gian tới, Vĩnh Phúc phải xây dựng một Đảng bộ đoàn kết và tập trung phát cho triển kinh tế. Trong phát triển kinh tế, cần dựa vào 3 trụ cột quan trọng là công nghiệp, dịch vụ - du lịch và nông nghiệp. Trước hết muốn thu hút đầu tư thì cần tập trung phát triển các khu công nghiệp. Thứ hai là huy động nguồn lực phát triển dịch vụ, du lịch để tạo ra các đột phá thu hút du lịch trong nước và nước ngoài. Thứ ba là thu hút đầu tư có chọn lọc cho nông nghiệp.
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc cần tập trung phòng tránh dịch bệnh Covid-19, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Về phía huyện Tam Dương, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp và bầu các đồng chí trong Ban chấp hành, chuẩn bị tiến tới Đảng bộ tỉnh lần thứ 17. Về phát triển kinh tế, Tam Dương cần tập trung vào phát triển công nghiệp bên cạnh đó phát triển những ngành kinh tế truyền thống đã có trong đó có nông nghiệp, dịch vụ. Quan tâm đến nhà ở cho công nhân, gia đình chính sách, hộ nghèo.
Tại buổi làm việc, huyện Tam Dương đề xuất UBND tỉnh báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương sớm triển khai xây dựng nút giao IC5 giao Quốc lộ 2C với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai để thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Tam Dương; lựa chọn nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp Tam Dương I - Khu II, Tam Dương I - Khu III; chấp thuận chủ trương thực hiện dự án Khu công nghiệp Tam Dương II – Khu B để có đủ cơ sở pháp lý thực hiện thu hồi đất và giải phóng mặt bằng; xem xét chấp thuận cho phép thực hiện thu hồi đối với phần diện tích còn thiếu của dự án: Đường tránh Quốc lộ 2C tuyến phía Đông thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương để UBND huyện có cơ sở triển khai và hoàn thành dự án theo kế hoạch.