Hồ Đại Lải có chức năng du lịch, dịch vụ
Công trình thủy lợi hồ chứa nước Đại Lải thuộc xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được khởi công xây dựng năm 1959. Theo thiết kế ban đầu, công trình có nhiệm vụ chính là cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho Vĩnh Phúc và Hà Nội. Đến nay, nhu cầu phục vụ nông nghiệp đã giảm 2/3 so với thiết kế của hồ.
Trước những lợi thế về vị trí và tiềm năng của hồ thủy lợi này, tỉnh Vĩnh Phúc đã báo cáo và xin ý kiến các cấp để quy hoạch đầu tư các dự án trong phát triển du lịch, dịch vụ, sân golf, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... Bởi thế, hiện nay một số người đang hiểu rằng, hồ Đại Lải chỉ để điều tiết nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp là chưa đầy đủ.
Từ năm 2006 hồ Đại Lải đã được điều chỉnh có thêm chức năng du lịch, dịch vụ. Ngày 15-8-2006, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 1899/QĐ-CT “Phê duyệt dự án nâng cao khả năng khai thác tổng hợp hồ chứa nước Đại Lải, thị xã Phúc Yên”.
Theo đó, thông qua việc chấp thuận các dự án phát triển du lịch, dịch vụ trong khu vực mà một phần diện tích thuộc khu vực bán ngập của hồ Đại Lải, nhằm khai thác hiệu quả lợi ích tổng hợp của hồ; tăng cường vai trò, chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi...; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch phục vụ nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí của nhân dân và du khách.
Tại quyết định này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng xác định: Các dự án về du lịch có khối lượng san gạt nền, cao trình khống chế nền các công trình kiến trúc không thấp hơn mức +21,50m. Diện tích mặt hồ ứng với mực nước chết và mực nước bình thường dao động từ 327,5ha đến 390ha. Để ban hành Quyết định số 1899/QĐ-CT, trước đó UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có tờ trình gửi các bộ, ngành liên quan, trong đó có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Tại Công văn số 1871/CV/BNN-TL ngày 5-5-2005 của Bộ NN&PTNT gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu: “1. Đồng ý chủ trương phát triển du lịch nhằm nâng cao hiệu quả khai thác các hồ chứa nước, trong đó có hồ Đại Lải. 2. UBND tỉnh Vĩnh phúc xem xét và phê duyệt các dự án đầu tư theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7-2-2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Các hạng mục xây dựng công trình trong phạm vi lòng hồ không làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa...”.
Trước đó, ngày 26-2-1996, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 20/TB “Kết luận của Phó thủ tướng Phan Văn Khải về quy hoạch khu du lịch Đại Lải, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phú”. Điểm 3 của thông báo nêu: “Về việc sử dụng đất khu vực Đại Lải, giao Tổng cục Địa chính và UBND tỉnh Vĩnh Phú phối hợp với Bộ Quốc phòng và các ngành liên quan, kiểm tra. Nếu cơ quan, đơn vị nào thực sự có nhu cầu sử dụng đất trong phạm vi quy hoạch thì phải xác định rõ; cơ quan, đơn vị nào không có nhu cầu hoặc việc sử dụng đất ở khu vực này không cần thiết, không có hiệu quả so với phát triển du lịch thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thu hồi để sử dụng vào mục đích cần thiết khác”.
Từ những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Vĩnh Phúc và ý kiến các bộ, ngành, ngày 25-2-2004 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 216/QĐ-TTg “Về việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp thuộc Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ tại huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc” cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 147,3ha đất lâm nghiệp thuộc Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ tại xã Ngọc Thanh, huyện Mê Linh sang sử dụng cho Dự án sân golf và tổ hợp văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát, du lịch sinh thái (gọi tắt là Dự án sân golf và du lịch) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tiếp đó ngày 5-12-2006, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định số 3220/QĐ-UBND về việc giao đất cho Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam để thực hiện các dự án, trong đó xác định rõ từng loại đất.
Các dự án thực hiện trong phạm vi đất được giao
Để triển khai các dự án tại đây, sau khi được giao đất và thực hiện Quyết định số 216/QĐ-TTg ngày 25-2-2004 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12-8-2005 tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định phê duyệt quy hoạch chung khu du lịch Đại Lải giai đoạn 2005-2020 tỷ lệ 1/5.000; đến ngày 11-8-2010 có quyết định phê duyệt tỷ lệ 1/2.000 và đến ngày 10-1-2012 có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án sân golf và tổ hợp văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát và du lịch. Ngày 5-1-2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ban hành 2 quyết định gồm: Quyết định số 40 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tổ hợp sân golf ngôi sao Đại Lải và Quyết định số 41 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải, cùng tại xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Nếu hiểu dự án hiện nay đang lấn hồ hay “bức tử” hồ Đại Lải từ mấy chục đến hàng trăm héc-ta là có sự nhầm lẫn về cách tiếp cận giữa cốt nước với diện tích đất được giao. Diện tích đất được giao là đất dự án, không phải lấn hồ vì nằm trong phạm vi dự án được giao.
Từ trước đến nay cũng chỉ có một văn bản được xác định hồ Đại Lải có diện tích là 340ha chứ không phải như nhiều con số ước lượng. Ở đây có cái sai khi thực hiện dự án là chủ đầu tư tiến hành san gạt tạo mặt bằng nhưng chưa xin giấy phép, mặc dù họ làm trong phạm vi đất được giao. Vị trí chủ đầu tư đang san gạt là đồi Thai Mạ, đất lâm nghiệp nằm trong diện tích 147,3ha mà Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo Quyết định số 216/QĐ-TTg ngày 25-2-2004 .
Tại biên bản làm việc được lập ngày 24-7-2020 giữa các cơ quan gồm: Tổng cục Thủy lợi; các sở: NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng của tỉnh Vĩnh Phúc; Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên, sau khi kiểm tra hiện trường khu nhà ở sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng hồ Đại Lải (Dự án) xã Ngọc Thanh, các thành phần tham gia làm việc đã thống nhất một số nội dung: “1. Việc san gạt mặt bằng nằm trong phạm vi được giao đất và tại thời điểm làm việc, chủ đầu tư đã dừng các hoạt động san gạt... 2. Chủ đầu tư thực hiện và phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên cắm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ hồ Đại Lải từ cao trình cốt +23m trở xuống phía lòng hồ theo hiện trạng ban đầu, xong trước ngày 30-7-2020. 3. Chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Đại Lải theo quy định...”.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Hùng, chuyên viên Phòng Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc giải thích: "Trong Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 5-1-2017 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải, chỉ có duy nhất một điểm khống chế tại khu đất có ký hiệu OBT57 thể hiện cao độ san nền thấp nhất 17,65m chứ không phải cho tất cả quy hoạch san gạt tổng thể".
Đây cũng là vị trí mà có một số thông tin cho rằng chủ đầu tư đang san gạt tạo mặt bằng. Tuy nhiên, khu vực này hiện chưa có hoạt động san gạt nào của chủ đầu tư và vẫn được giữ nguyên trạng. Trước đó, theo quy hoạch chi tiết 1/2000 (năm 2010) và quy hoạch 1/500 (năm 2012) đã xác định vị trí này có cao độ thấp nhất là 21,5m. Hiện vị trí này đã được đính chính là 21,5m.