Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ứng phó bão lũ tại Thừa Thiên - Huế

GD&TĐ - Chiều nay, 13/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có mặt tỉnh Thừa Thiên - Huế để kiểm tra tình hình mưa lũ và công tác cứu hộ, cứu nạn sạt lở đất có thể làm nhiều người bị vùi lấp ở Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.

Nhiều vùng rộng lớn tại Thừa Thiên -Huế vẫn đang ngập sâu. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Nhiều vùng rộng lớn tại Thừa Thiên -Huế vẫn đang ngập sâu. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ thông tin, trưa ngày 12/10, một lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được điện thoại của người dân báo tin việc Thủy điện Rào Trăng 3 bị sự cố sạt lở, có ảnh hưởng đến người cần tỉnh giúp đỡ. Cuộc gọi bị gián đoạn giữa chừng do mất sóng. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, Quân khu 4 đã ngay lập tức cử lực lượng đến hiện trường để kiểm tra, cứu hộ.

Theo báo Thừa Thiên Huế, sáng 13/10, tại xã Phong Xuân (Phong Điền), Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Doãn Anh có có cuộc họp bàn phương án tiếp cận, cứu hộ cứu nạn những người mắc kẹt tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3.

Ghi nhận hiện trường và nhận định của đoàn công tác, do trời mưa lớn nên tuyến đường vào thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 20km, có hơn 10 điểm sạt lở lớn, 4 con suối nước chảy siết, thời tiết xấu dẫn đến việc tiếp cận hiện trường gặp nhiều khó khăn. Đoàn công tác đã gọi điện báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trước mắt, tỉnh đã tập trung lực lượng, phương tiện chuyên dụng xe múc, xe cẩu mở đường tiếp cận khu vực thủy điện Rào Trăng 3. Đồng thời, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, y tế nhằm đảm bảo cho công tác cứu hộ cứu nạn. Công an tỉnh cũng đã điều 3 xe và lực lượng phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ đến hiện trường. Hàng chục cán bộ chiến sĩ cũng đã lên đường.

Đến 10h30, các lực lượng vẫn chưa tiếp cận được hiện trường do lượng đất đá sạt lở là rất lớn cộng thêm nước suối dâng cao.

Cũng trong sáng 13/10, nhận lệnh từ Bộ tư lệnh Quân khu 4, nhiều cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 đã tham gia làm nhiệm vụ tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cũng đã quyết định hoãn tổ chức Đại hội Đảng bộ để tập trung ứng phó thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực Trạm kiểm lâm số 7 và thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...