Sáng 18/3, tại TP. Biên Hoà, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Nai về tình hình kinh tế-xã hội địa phương.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá cao những thành quả khá toàn diện trên các lĩnh vực của tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội của Đồng Nai. Cụ thể, một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị công nghệ cao còn thấp; công tác bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa có nhiều chuyển biến tích cực; vi phạm về thương mại, buôn bán, vận chuyển hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỉnh cần quan tâm hơn nữa, sớm khắc phục những hạn chế này để bảo đảm phát triển bền vững trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đặc biệt lưu ý tỉnh Đồng Nai quan tâm hơn nữa đến công tác phòng chống tội phạm. Hiện tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, tội phạm về trộm cắp tài sản, giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích chiếm tỷ lệ cao. Trong quá trình thực hiện công tác này, tỉnh cần xác định rõ người nghiện ma tuý là nạn nhân nhưng cũng là tiềm ẩn nguy cơ tội phạm lớn. Cần tổ chức công tác cai nghiện tốt hơn nữa, tái hòa nhập và cai nghiện tại cộng đồng sao cho có hiệu quả và phù hợp với tình hình địa phương, từ đó sẽ hạn chế phát sinh tội phạm.
Đề cập đến một trong những vấn đề nóng hiện nay là tình trạng khai thác cát trái phép, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: “Việc cấp phép đã được yêu cầu tạm dừng. Tuy nhiên, không để tình trạng cấp phép cho khai thác cát rồi buông lỏng, để khai thác tràn lan, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Do đó, cần sự vào cuộc kiểm soát của lực lượng công an, tài nguyên và môi trường và các lực lượng khác. Đặc biệt, cơ quan công an cần điều tra, làm rõ sau lưng nhóm khai thác trái phép là những tổ chức tội phạm nào? Sao lại có chuyện nạo vét luồng lạch mà cát thì cho lên tàu còn bùn và rác để lại”?
Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cơ bản nhất trí với định hướng mà tỉnh đưa ra trên tinh thần phải quyết liệt, có bước đi và lộ trình phù hợp. Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý một số vấn đề lớn như: Tỉnh cần thực hiện có hiệu quả các nhiệm được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2017.
Triển khai Kế hoạch hành động của tỉnh thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
“Tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục phát huy lợi thế về diện tích lớn, dân số đông, nằm trên trục giao thông của khu vực phát triển, trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong quá trình phát triển, cần lựa chọn phát triển các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm công nghệ cao, nhất là các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin, các dịch vụ tư vấn, dịch vụ kỹ thuật cao... cùng với đó là phát triển nguồn nhân lực, hệ thống trường nghề để đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của tỉnh, vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước yêu cầu công nghiệp hóa, gắn kết doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp FDI”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục; giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn và các vùng tái định cư; làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, quan tâm hơn nữa đến bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước sông Đồng Nai, sông Thị Vải.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu tỉnh Đồng Nai tăng cường giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tập trung đối thoại, tiếp công dân. Trong quá trình giải quyết những vụ việc phức tạp, cần phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất biện pháp giải quyết; bảo đảm hài hòa quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, của công dân và của doanh nghiệp.
Tập trung giải quyết dứt điểm những khiếu kiện của công dân đối với những dự án thu hồi nhiều đất, nhiều hộ dân mất đất nhưng chưa được tạo công việc. Phó Thủ tướng lưu ý, một số dự án kéo dài từ 5-7 năm chưa được đầu tư xây dựng dẫn đến đất còn bị bỏ hoang hóa; các khiếu nại, tố cáo của công dân mặc dù được UBND tỉnh quan tâm nhưng việc giải quyết chưa triệt để, công dân còn khiếu nại gay gắt lên các cơ quan Trung ương.
Triển khai chương trình công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), trong đó chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các chương trình, giải pháp PCTN, nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về PCTN; đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát của các cấp các ngành, của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động công dân, công chức thực hiện công tác PCTN, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến đất đai, xây dựng, giao thông, đầu tư, cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản…
Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng xác định rõ các trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, như tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng, phương thức thủ đoạn, tập trung vào các địa điểm tập kết hàng hóa xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, bến xe; các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; các mặt hàng thuốc lá, thực phẩm, xăng dầu, đường, sữa, rượu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện tử gia dụng, mỹ phẩm…; các thủ đoạn gian lận về giá, đo lường, chất lượng, xuất xứ, hợp thức hóa đơn, chứng từ để có kế hoạch, biện pháp đấu tranh cụ thể, hiệu quả. "Kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực quản lý”.
Đối với công tác cải cách hành chính, Đồng Nai đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phải làm quyết liệt, sáng tạo, có những mô hình mới, cách làm hay, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để xây dựng chính quyền các cấp trên địa bàn liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp; triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhóm nhiệm vụ, giải pháp về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương”.
Đối với các kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực giao các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết: Năm 2016, kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ với 23/24 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra, 1 chỉ tiêu không đạt là kim ngạch xuất khẩu. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 đạt 163.819,7 tỷ đồng, tăng 8,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 77,3 triệu đồng, tăng 1,7%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 43.281 tỷ đồng, đạt 102,4%. Tỉnh đã triển khai, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng trên địa bàn. Công tác quốc phòng an ninh trên địa bànđược tăng cường,bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội Về các chỉ tiêu lớn năm 2017, tỉnh Đồng Nai đề ra kế hoạchGRDP tăng 8-9% so với năm 2016; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 83-84 triệu đồng (tương đương khoảng 3.700-3.750 USD/người); kim ngạch xuất khẩu năm 2017 tăng 7-9% so với năm 2016; tổng vốn đầu tư phát triển huy động toàn xã hội năm 2017 khoảng 78.000-80.000 tỷ đồng; tổng thu ngân sách đạt dự toán được giao… |