Sau 6 năm thực hiện, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án giao thông trọng điểm quốc gia có quy mô lớn đầu tiên triển khai mô hình BOT với 105 km tiêu chuẩn cao tốc quốc tế, đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện trước khi đi vào khai thác trong năm 2015 như kế hoạch.
Cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng
Theo chủ đầu tư - Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), đến nay tổng giá trị giải ngân của các gói thầu xây lắp chính khoảng hơn 12.174 tỷ đồng, đạt khoảng 68,6% giá trị hợp đồng xây lắp.
Chủ tịch Vidifi Đào Văn Chiến cho biết: Hiện công tác giải phóng mặt bằng về cơ bản đã hoàn thành trên toàn tuyến, tuy nhiên một số điểm vẫn còn tồn, công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di chuyển ở các khu vực thuộc huyện Yên Mỹ -Hưng Yên, Thanh Hà, Gia Lộc – Hải Dương, Kiến Thụy, Dương Kinh, Hải An – Hải Phòng.
Đặc biệt, đối với công tác cung cấp vật liệu, từ tháng 4/2012, sau khi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm sát tải trọng phương tiện vận tải, việc cung cấp vật liệu đã gặp khó khăn. Một số nhà cung cấp đã bổ sung phương án vận chuyển bằng đường thủy hoặc tăng cường sử dụng xe tải trọng nhỏ, tuy nhiên tiến độ cung cấp vật liệu vẫn không đảm bảo yêu cầu.
Các nhà thầu nước ngoài hiện đang chiếm 9/11 gói thầu xây lắp chính của công trình. Tuy nhiên một số nhà thầu nước ngoài không đưa đầy đủ nhân sự, máy móc thiết bị theo cam kết mà thuê thầu phụ Việt Nam là với giá rẻ, công tác quản lý thầu phụ không tốt, dẫn tới không đảm bảo tiến độ.
Đại diện tư vấn giám sát đánh giá, khối lượng công việc của công trình nhìn chung là còn khá lớn. Tiến độ thi công đang trong giai đoạn nước rút, ở tất cả các gói thầu phải tập trung thi công, tăng cường nguồn lực cao nhất.
Không được lùi tiến độ, sớm đưa vào sử dụng các đoạn tuyến đã hoàn thành
Trực tiếp kiểm tra, trao đổi các vấn đề tại công trường cũng như trong giao ban, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận xét so với yêu cầu tiến độ đề ra, nhìn chung việc triển khai dự án vẫn còn nhiều điểm đáng lo ngại.
Phó Thủ tướng nghiêm khắc yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu tiếp tục bảo đảm các mốc tiến độ đã đề ra. Đó là, tháng 12 năm nay thông xe 25km từ Hải Phòng đến tỉnh lộ 353, từ tháng 7/2015 từ tỉnh lộ 353 đến Hưng Yên và cuối năm 2015 là từ Hưng Yên đến Hà Nội, thông xe toàn tuyến.
Trên tinh thần này, từng gói thầu cần được rà soát tiến độ, xem xét, gỡ từng điểm vướng, tập trung nguồn lực tài chính, nhân lực, vật lực, tăng ca để bảo đảm tiến độ thi công cũng như chất lượng.
“Các mốc đặt ra trong tổng tiến độ là phải đảm bảo khi mặt bằng đã gần như “sạch” hoàn toàn, cũng cơ bản không lo về vốn nên không được lùi và đưa vào càng sớm càng tốt những đoạn tuyến đã hoàn thành để giảm tải cho đường 5 đang hết sức quá tải”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề trong cung cấp vật liệu, Phó Thủ tướng cho ý kiến chủ đầu tư làm việc với địa phương để có thể sử dụng tuyến đường 199 như đường chuyên dùng và chủ dự án phải cam kết khôi phục sau khi hoàn thành, tránh để ảnh hưởng lâu dài tới người dân.
Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được khởi công từ 19/5/2008 với tổng mức đầu tư lên đến 46.900 tỷ đồng, toàn tuyến có chiều dài 105,5km.
Toàn tuyến có chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100m, mặt đường rộng từ 32,5 đến 35m với sáu làn xe chạy theo tốc độ thiết kế lên tới 120 km/giờ, hai làn dừng xe khẩn cấp.
Dự án đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40), Hải Phòng (33km), và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng).