Phổ cập bơi cho học sinh: Bài toán khó

GD&TĐ - Liên tiếp các vụ đuối nước xảy ra gần đây đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Thực tế này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đuối nước ở trẻ em, đặc biệt khi kỳ nghỉ hè sắp đến.

Giờ học bơi của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai). Ảnh: TG
Giờ học bơi của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai). Ảnh: TG

Một trong những giải pháp hữu hiệu được nhiều người nhắc đến là phổ cập bơi lội trong các nhà trường. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là bài toán nan giải.

Những con số đau lòng

Ngày 1/5, tại Bình Phước, vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại khu vực sông Đồng Nai (Bù Đăng). 4 học sinh cùng nhóm bạn lớp 11 rủ nhau đi tắm tại bãi cạn sông Đồng Nai và không may rơi vào vùng nước xoáy, bị đuối nước tử vong. Cùng ngày, tỉnh Bình Thuận cũng xảy ra 2 vụ đuối nước làm 1 học sinh lớp 7 và 2 em nhỏ tử vong. Đến ngày 2/5, hai vụ đuối nước tiếp tục xảy ra khiến 1 học sinh lớp 3 tại Bình Phước và 2 học sinh lớp 3, lớp 5 ở Đắk Lắk tử vong. Từ 30/4 đến 5/5, tại tỉnh Nghệ An xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 8 người tử vong, trong đó có 7 học sinh.

Thống kê của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho thấy: Trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 370 nghìn trẻ em bị tai nạn, thương tích. Trong đó, số trẻ em tử vong do đuối nước lên tới 3.500 em. Riêng năm 2022, dù chỉ mới đầu hè nhưng đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm khiến hơn 100 trẻ thiệt mạng.

Còn theo báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em độ tuổi 2 - 15 ở nước ta. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Thực tế này, một lần nữa gióng lên những hồi chuông báo động về tai nạn đuối nước, nhất là kỳ nghỉ hè sắp đến.

Việc phổ cập bơi cho học sinh trong các trường học vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: TG
Việc phổ cập bơi cho học sinh trong các trường học vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: TG

Nan giải phổ cập

Cô Nguyễn Thị Minh Thịnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Dân (TP Việt Trì, Phú Thọ) - cho hay: Qua khảo sát có khoảng 60% trên tổng số hơn 1.600 học sinh của trường biết bơi. Dù nhà trường đã thiết kế, lắp đặt bể bơi thông minh, nhưng để phổ cập bơi lội cho học sinh trong trường vẫn là bài toán khó và chưa thể thực hiện được ở thời điểm này.

“Thực trạng này chịu tác động bởi yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó nhiều phụ huynh, học sinh chưa mặn mà với việc cho con đi học bơi. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào thời tiết, kinh phí, nhân lực…”, cô Thịnh phân trần.

Tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), hiện chưa có đơn vị giáo dục nào đủ điều kiện, cơ sở vật chất để lắp đặt bể bơi tại trường. Trưởng phòng GD&ĐT Trần Thị Thanh Huế thông tin: Năm 2021 có một số đơn vị đề xuất phối hợp lắp bể bơi thông minh tại các trường học. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên kế hoạch này chưa được triển khai. Vì thế, việc dạy bơi cho học sinh vẫn chỉ dừng lại ở lý thuyết.

Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet

Cần thiết và cấp bách

Theo bà Huế, phổ cập bơi lội trong trường học là cần thiết và cấp bách, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất và nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Đồng quan điểm, ThS Vũ Văn Thịnh -  Phó Trưởng khoa Võ - Bơi - Cờ, Trưởng Bộ môn Bơi lội (Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội) - nhìn nhận: Bơi lội là môi trường phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, nhất là ở miền Bắc. Việc dạy bơi chỉ có thể thực hiện từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Thực tế này dẫn đến việc xã hội hóa dạy bơi trong trường học gặp khó khăn, bởi nếu thu hút cá nhân đầu tư thì lợi nhuận không cao; trong khi để các trường đầu tư một bể bơi, kinh phí không nhỏ; đó là chưa kể đến số tiền để duy trì hoạt động thường xuyên.

Cũng theo ThS Thịnh, có không ít hiệu trưởng, nhất là với trường tiểu học sợ trách nhiệm nên không muốn phổ cập bơi lội cho học sinh trong trường mình, kể cả theo hình thức xã hội hóa. Có chăng, một số trường liên kết với trung tâm để tổ chức dạy bơi cho học sinh theo hình thức đăng ký cam kết tự nguyện và việc dạy – học sẽ được thực hiện bên ngoài nhà trường.

Một nguyên nhân khác, không phải cơ sở giáo dục nào cũng tuyển được giáo viên có chuyên môn sâu về bơi lội để đảm nhận việc dạy cho học sinh. Nếu có, chủ yếu là giáo viên thể dục được giao kiêm nhiệm. Do đó, đội ngũ nhân lực cũng là một trong những rào cản để các trường triển khai dạy bơi cho học sinh.

Bên cạnh đó, còn một số yếu tố khác như: Nhiều phụ huynh sợ con lây bệnh truyền nhiễm khi học bơi. Số phụ huynh khác chưa nhận thức được tầm quan trọng phải trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ nên còn thờ ơ với bộ môn này… – ThS Thịnh trao đổi, đồng thời quả quyết: Cần thiết phải phổ cập bơi lội cho học sinh, bởi đó là cách để trang bị kỹ năng sinh tồn cho các em khi mùa mưa bão đến.

Theo đó, cần có cơ chế khuyến khích, thậm chí là chế tài trong việc triển khai dạy bơi cho học sinh trong trường học. Trong điều kiện các địa phương và trường còn nhiều khó khăn, chưa thể xây dựng bể bơi có thể triển khai theo hình thức xã hội hóa hoặc phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cụ thể, cần có sự quan tâm của Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể trong đầu tư cơ sở vật chất. Chẳng hạn lắp bể bơi di động, thiết kế bể bơi nhân tạo ngoài ao, hồ - nơi có khu vực nước ổn định, an toàn.

“Sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội vô cùng quan trọng, quyết định hiệu quả của việc phổ cập bơi lội cho học sinh cũng như cộng đồng. Cùng với đó, cần tác động để thay đổi cách nhìn của các nhà quản lý giáo dục, để họ “xắn tay” vào việc phổ cập dạy bơi cho học sinh trong nhà trường” – ThS Vũ Văn Thịnh nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.