Nguy cơ đuối nước luôn chực chờ
Tỉnh Đồng Tháp với đặc điểm hệ thống sông, rạch dày đặc, mỗi năm mùa lũ dâng cao nên tiềm ẩn nguy cơ trẻ em bị đuối nước. Bên cạnh đó, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, ý thức phòng chống đuối nước trẻ em ở cộng đồng còn hạn chế nên toàn tỉnh có đến 45% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS không biết bơi.
Dù nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phòng chống đuối nước trẻ em, nhưng hằng năm, số trẻ em chết đuối vẫn còn ở mức cao. Tính từ năm 2013 - 2018, toàn tỉnh Đồng Tháp có 242 trẻ em bị đuối nước, trong đó có 175 trẻ dưới 6 tuổi (chiếm 72,31%). Riêng quý I/2019, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 8 trường hợp trẻ chết đuối.
Nguyên nhân do sự chủ quan, thiếu quan tâm của người trông giữ. Ngoài ra, việc chỉ đạo, tuyên truyền phòng chống đuối nước trẻ em ở nhiều xã, phường, thị trấn chưa thường xuyên, đồng bộ. Môi trường sống xung quanh thiếu an toàn, thiếu trang thiết bị dạy bơi cho trẻ và cơ chế chính sách cho việc dạy bơi...
Theo ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: “Tỷ lệ trẻ tử vong do tai nạn, đặc biệt là đuối nước cao gấp 10 lần 2 loại dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai các chương trình phòng chống đuối nước trẻ em nhưng số trẻ tử vong vẫn còn cao. Đây là một thách thức, nỗi lo lớn của tỉnh”.
Để tháo gỡ khó khăn này, tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh phổ cập bơi cho học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Ngành Giáo dục địa phương kết hợp cùng Đoàn Thanh niên tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh, lồng ghép vào đó là kỹ năng phòng chống đuối nước, kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước… Với cách làm này, nhiều học sinh đã biết bơi và được trang bị các kỹ năng phòng chống đuối nước khi hằng ngày các em phải sinh hoạt, vui chơi, đến trường gắn với sông nước.
Trong năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp giao chỉ tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố mở hơn 1.000 lớp dạy bơi cho gần 26.000 em trong độ tuổi từ 7 - 15. Toàn tỉnh phấn đấu 100% các trường có hồ bơi, đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy ngoại khóa và chính khóa cho học sinh. Riêng TP Cao Lãnh tổ chức các lớp phổ cập bơi đạt hiệu quả cao. TP Cao Lãnh đang nỗ lực để đạt chỉ tiêu năm 2019 tổ chức 108 lớp phổ cập bơi, với khoảng 2.700 em biết bơi.
Phổ cập bơi ngay từ đầu năm học
Ngay khi bước vào năm học 2019 - 2020, Trường TH An Bình A, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) tổ chức lớp phổ cập bơi cho học sinh vùng lũ. Có hơn 240 em học sinh tham gia với sự hướng dẫn bơi của các giáo viên dạy Thể dục và cán bộ xã Đoàn.
Theo cô Lê Phạm Phương Thảo, thị xã Hồng Ngự hằng năm đều chịu sự tác động mạnh mẽ của tình trạng ngập lũ do nước từ thượng nguồn đổ về. Do đó, việc thực hiện các lớp phổ cập bơi cho các em được đặt lên hàng đầu.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong suốt thời gian dạy bơi, Ban Giám hiệu nhà trường phân công giáo viên dạy bộ môn Thể dục cốt cán đã được tập huấn để đảm bảo chuyên môn, kỹ năng dạy bơi cho các em học sinh.
“Lớp phổ cập bơi lần này được chia thành 8 nhóm tập luyện, dành cho các em từ 9 - 10 tuổi. Các em được trang bị kỹ năng cần thiết về kỹ thuật bơi, có thể bơi được khoảng 10 - 20m, ở cuối chương trình bơi các em còn được giáo viên hướng dẫn những kỹ năng phòng tránh đuối nước và cách xử lý trong những trường hợp gặp người bị đuối nước”, cô Phương Thảo cho biết.
Còn tại Trường TH An Thạnh 1, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), các em học sinh được “rèn” các kỹ năng bơi lội, thoát hiểm khi đuối nước và dạy cho các em biết bơi thành thục sau khi tham gia phổ cập bơi. Mỗi lớp có khoảng 30 học sinh khối 3, 4, 5 với thời gian 16 buổi học với sự hướng dẫn của hai giáo viên dạy Thể dục và hai huấn luyện viên của Đoàn phường. Tại đây, các em sẽ được hướng dẫn về kỹ năng thở nước và một số kỹ năng cần thiết khác để phòng chống tai nạn đuối nước.
Tại huyện đầu nguồn - Hồng Ngự (Đồng Tháp), chính quyền địa phương cũng tổ chức chương trình phổ cập bơi cho trẻ em vùng lũ. Năm 2018, chỉ riêng huyện Hồng Ngự tổ chức trên 90 lớp, giúp gần 2.300 trẻ em biết bơi…
Việc nhà trường kết hợp với địa phương phổ cập bơi cho học sinh đã giúp các em làm quen với nước và có những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình là việc làm thiết thực. Nhờ cách làm này, nhiều em nhỏ ở vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp có kỹ năng phòng vệ khi sống chung với lũ.