Phim Việt có 'khó thở' khi gắn cảnh báo?

GD&TĐ - Từ ngày 20/5, phim tại Việt Nam có yếu tố 'bạo lực, tình dục, khỏa thân' phải dán cảnh báo cho khán giả.

Một trong nhiều cảnh nóng trong phim 'Người phán xử'. Ảnh: VTV.
Một trong nhiều cảnh nóng trong phim 'Người phán xử'. Ảnh: VTV.

Thông tư mới về tiêu chí phân loại phim của Bộ VH,TT&DL, từ ngày 20/5, phim tại Việt Nam có yếu tố “bạo lực, tình dục, khỏa thân” phải dán cảnh báo cho khán giả.

Với loạt tiêu chí phân loại và cảnh báo rất chi tiết, giới làm phim cho rằng sự rõ ràng về giới hạn các yếu tố “bạo lực, tình dục, khỏa thân” sẽ giúp nhà sản xuất phim dễ dàng định lượng các ranh giới theo quy định.

Phân loại phim theo độ tuổi

Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng ký gồm 6 điều quy định tiêu chí phân loại và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phổ biến phim.

Mức phân loại phim theo tiêu chí phân loại được xếp từ thấp đến cao: Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; Loại C: Phim không được phép phổ biến.

Phim bị cấm phổ biến là phim vi phạm những nội dung bị cấm trong Điều 9 Luật Điện ảnh như: Vi phạm Hiến pháp, pháp luật; Kích động chống đối hoặc phá hoại việc thi hành Hiến pháp, pháp luật; Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây tổn hại đến các giá trị văn hóa, lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam; Xúc phạm Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, Quốc ca...

Tiêu chí phân loại phim bao gồm: Tiêu chí về chủ đề, nội dung; Tiêu chí về bạo lực; Tiêu chí về khỏa thân, tình dục; Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; Tiêu chí về kinh dị; Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục; Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Trong đó, tiêu chí về chủ đề, nội dung của phim nhấn mạnh: “Không gây nhận thức sai lệch về các giá trị đạo đức, thuần phong mĩ tục, quan hệ gia đình, xã hội; dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; quyền trẻ em, phân biệt đối xử và các chủ đề nhạy cảm, ngụ ý, ẩn dụ”.

Ngoài ra, Thông tư còn bao gồm các nội dung về: Nguyên tắc phân loại phim; Nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại phim; Nguyên tắc thực hiện cảnh báo; Nội dung hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo…

Phim được phổ biến trong rạp chiếu phim phải hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói trước khi bắt đầu phổ biến phim. Vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim.

Đối với phim được phổ biến trên truyền hình và trên không gian mạng: Hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói chậm nhất trong 3 giây ngay sau khi bắt đầu phổ biến phim.

Vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim, hiển thị tối đa 3 lần trong quá trình phổ biến phim đối với phim có thời lượng từ 20 phút trở lên.

Ngoài cảnh nóng, vấn đề bạo lực, hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước đang tràn lan trên phim Việt.

Ngoài cảnh nóng, vấn đề bạo lực, hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước đang tràn lan trên phim Việt.

Có nên gắn cảnh báo vào phim?

“Tôi làm phim cũng muốn tự do không giới hạn. Tuy nhiên, nhìn rộng ra và liên hệ với đời sống thường ngày một chút, giả dụ khi không có Luật An toàn thực phẩm - thị trường bán đồ ăn bẩn, kém chất lượng cho người thân và con cháu chúng ta thì sẽ ra sao? Cho nên cái gì thì cũng phải đi chung và vì cái chung chứ không thể cho riêng cá nhân mình được”. Đạo diễn Lương Đình Dũng

Với 7 tiêu chí phân loại cùng những quy định cụ thể trong việc cảnh báo liệu có khiến phim Việt thêm “khó thở”, hoặc gây nhiêu khê cho giới sản xuất - khiến phim Việt chỉ có thể “đi xuống” mà khó có cơ hội bứt phá?

Trao đổi với Báo GD&TĐ, đạo diễn Lương Đình Dũng cho hay: Điện ảnh cũng giống như một số ngành nghề khác, tuy nhiên tác động của nó khá mạnh mẽ, tiêu cực cũng rất tiêu cực và tích cực cũng rất tích cực.

Nói một cách vui, cũng giống như rượu và các loại xe đều cần có quy định cụ thể. Nên việc phân loại phim để phù hợp với các lứa tuổi xem phim là đúng.

Tuy nhiên, đạo diễn Lương Đình Dũng lo ngại việc gắn cảnh báo sẽ ảnh hưởng không tốt đến cảm giác trải nghiệm phim. Bởi vậy, đạo diễn cho rằng không nên gắn cảnh báo vào nội dung phim mà chỉ tập trung vào công tác thanh tra quản lý.

Thông tư quy định chi tiết về mức độ, tần suất các cảnh bạo lực, tình dục, ngược đãi… Thực tế, cảnh bạo lực tình dục được ước tính thời lượng, tần suất cũng khó cho các nhà làm phim và cho chính cả Hội đồng duyệt phim. “Tôi nghĩ không ghi ra cụ thể thì cũng khó vì đã là luật và các nhà làm phim cũng nhiều lần yêu cầu đưa ra cụ thể.

Cái này có thể nên cân nhắc và xem xét thêm cho phù hợp với tình hình. Bởi có quy định gì đi chăng nữa thì Hội đồng duyệt phim cũng dựa trên tổng thể nội dung phim để thông qua”, đạo diễn Lương Đình Dũng cho hay.

Vị đạo diễn này cũng khẳng định, các tiêu chí và quy định của Thông tư không ảnh hưởng hay hạn chế việc sáng tạo. Ngược lại, trong những khuôn phép phù hợp sự sáng tạo càng bộc lộ và trỗi dậy. Đơn cử như kinh phí sản xuất, có bao nhiêu thì sẽ điều tiết phù hợp, ít khi ai dám vượt qua quá nhiều khoản kinh phí đã có.

Với Thông tư 05, phim Việt có bị “khó thở” trong việc kiểm duyệt hay không vẫn còn là một dấu hỏi chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, đạo diễn Lương Đình Dũng cũng như giới làm phim nhận định, hiện tại việc kiểm duyệt nội dung phim điện ảnh đã rất thông thoáng.

Phim ảnh có tác động rất lớn đến sự thay đổi xã hội nên quốc gia nào cũng có luật, và luật là cần thiết cho toàn xã hội chứ không riêng với các nhà làm phim.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.