Khơi gợi lòng yêu nước từ những thước phim lịch sử

GD&TĐ - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, Viện Phim Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động chào mừng sự kiện.

Triển lãm 'Dấu ấn 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam' sẽ giới thiệu hơn 200 hình ảnh liên quan đến sự ra đời và phát triển ngành Điện ảnh. Ảnh: Viện Phim Việt Nam
Triển lãm 'Dấu ấn 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam' sẽ giới thiệu hơn 200 hình ảnh liên quan đến sự ra đời và phát triển ngành Điện ảnh. Ảnh: Viện Phim Việt Nam

Trong dòng chảy 70 năm của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã góp phần làm nên thành công của những bộ phim về đề tài chiến tranh Cách mạng - vừa mang giá trị lịch sử, nghệ thuật, vừa thấm đẫm niềm tự hào dân tộc.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023), Viện Phim Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động chào mừng sự kiện.

Trưng bày 200 tư liệu quý

Theo Viện Phim Việt Nam, ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ xã Điềm Mặc (Định Hóa, Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp Quốc Gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam” khai sinh Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Qua những chặng đường xây dựng và phát triển, Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã đồng hành với từng giai đoạn lịch sử dân tộc, phản ánh chân thực và sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Với chức năng lưu chiểu, lưu trữ phim và bảo quản các tư liệu điện ảnh, nghiên cứu lý luận, công nghệ điện ảnh, khai thác phổ biến các tư liệu điện ảnh theo quy định của pháp luật, Viện Phim Việt Nam sẽ giới thiệu những tư liệu điện ảnh tới các thế hệ khán giả thông qua chương trình Điện ảnh chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Thông qua sự kiện này, Viện Phim Việt Nam mong muốn khơi dậy truyền thống lịch sử, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đồng thời, ghi nhận và khẳng định những giá trị, thành quả cách mạng của đất nước và dân tộc, trong đó có nền điện ảnh Việt Nam trong suốt 70 năm qua.

Triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam” giới thiệu hơn 200 hình ảnh về những sự kiện, con người, tác phẩm điện ảnh tiêu biểu, góp phần phác họa nên diện mạo của nền điện ảnh nước nhà trong 70 năm qua.

Triển lãm được phân chia theo 3 chủ đề: Chủ đề 1 là sự ra đời của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam với các hình ảnh cơ sở, trang thiết bị, hoạt động sản xuất phim trong hai giai đoạn: Điện ảnh Bưng Biền và Điện ảnh Đồi Cọ.

Trong chủ đề này, hình ảnh Sắc lệnh 147/SL ngày 15/3/1953 thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam và con dấu “Doanh nghiệp Quốc Gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam” sẽ được công bố để công chúng tận mắt thấy dấu mốc quan trọng của lịch sử điện ảnh 70 năm về trước.

Trong chủ đề 2 trưng bày những tác phẩm tiêu biểu qua 22 kỳ Liên hoan Phim Việt Nam trong 3 giai đoạn: Thời kỳ kháng chiến (1953 - 1975), thời kỳ thống nhất - xây dựng đất nước (1976 - 1985) và thời kỳ đổi mới - hội nhập quốc tế (từ 1986 đến nay). Chủ đề thứ 3 là vinh danh nghệ sĩ điện ảnh với chân dung 75 nghệ sĩ điện ảnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Triển lãm diễn ra tại Hà Nội: Từ ngày 13 - 19/3 tại rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Ba Đình). Tại TPHCM sẽ diễn ra từ ngày 23/3 - 6/4 tại cơ sở 2 Trường Đại học Văn hóa (288 Đỗ Xuân Hợp, Phước Long A, TP Thủ Đức).

Ê-kíp Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện một cảnh quay về bộ phim tài liệu 'Bác Hồ với Điện ảnh'. Ảnh: Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương

Ê-kíp Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện một cảnh quay về bộ phim tài liệu 'Bác Hồ với Điện ảnh'. Ảnh: Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương

Bác Hồ với Điện ảnh

Theo Viện Phim Việt Nam, hoạt động chiếu phim trong chuỗi kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, với các phim truyện: “Chung một dòng sông”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Mùa ổi”, “Đừng đốt”. Thời gian vào lúc 9 giờ các ngày từ 13 - 16/3 tại rạp Ngọc Khánh, Hà Nội (miễn phí vé vào cửa).

Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, tối 13/3, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng bộ phim tài liệu “Bác Hồ với Điện ảnh”. Phim do Bộ VH,TT&DL đặt hàng Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất.

Theo đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, bộ phim được thực hiện từ kịch bản “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Điện ảnh Cách mạng Việt Nam” của nhà biên kịch - NSƯT Nguyễn Sĩ Chung.

Trước đây khoảng năm 2016, NSƯT Nguyễn Sĩ Chung đã từng làm bộ phim “Một nét danh nhân” và “Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Lan”. Từ những tư liệu quý giá, ông đã viết kịch bản “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Điện ảnh Cách mạng Việt Nam”.

Trong phim “Một nét danh nhân” có một đoạn ghi hình và lời nói của Tỉnh trưởng Nakhonphanom: “Tôi rất trân trọng và kính phục những lời dạy của Cụ Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một tấm gương sáng, một điển hình tiêu biểu của nhân dân Việt Nam, mà cũng là tấm gương lãnh đạo của nhân dân thế giới”.

Tác giả muốn khắc họa niềm đam mê và sự sáng tạo của các nhà làm phim khi thể hiện hình tượng Bác Hồ dựa trên cơ sở hiện thực và sáng tạo. Phim đan xen giữa phim tài liệu “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh” với những đoạn trong phim truyện “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

Trong kịch bản, NSƯT Nguyễn Sĩ Chung có trích phỏng vấn các đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên từng làm phim và đóng phim về Bác.

Đặc biệt, có lời của đạo diễn Phạm Văn Khoa - một trong những người đầu tiên xây dựng ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam: “Thời kỳ này khu điện ảnh nhộn nhịp hẳn lên, 65 chiếc nhà lá làm trên ba quả đồi ở rừng cọ Việt Bắc không ngày nào ngớt tiếng động cơ phát điện. Các bộ phận in tráng, thu thanh, máy chiếu, máy nổ không lúc nào ngớt công việc. Tất cả thi đua với nhau góp công, góp sức xây dựng ngành Điện ảnh”.

Đạo diễn Trịnh Quang Tùng chia sẻ rằng, nhiều nhà điện ảnh từ khu 8, Đồi Cọ đã mất, hoặc còn thì cũng đã già yếu nên rất khó khăn trong quá trình thực hiện bộ phim “Bác Hồ với Điện ảnh”.

Bởi vậy, quá trình tìm và khai thác tư liệu làm phim đa phần là những hình ảnh tư liệu về Bác Hồ có trong các cuốn phim nhựa 35mm lưu giữ trong kho.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ