Khi giới trẻ tìm về phim lịch sử

GD&TĐ - Tiếp làn sóng ủng hộ phim 'Đào, phở và piano'(Đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phận khán giả trẻ quay trở lại tìm kiếm những bộ phim lịch sử, cách mạng.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Những phim này có khá nhiều trên mạng Internet, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng gắn với thời kỳ hoàng kim của điện ảnh cách mạng Việt Nam như: “Chị Tư Hậu”, “Vợ chồng A Phủ”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Cánh đồng hoang”…

Tìm về lịch sử để hiểu hơn quá khứ dân tộc - Đó là một cuộc kiếm tìm ý nghĩa và cần thiết, dù rằng phải mất không ít thời gian nghiền ngẫm, trải nghiệm và thấu hiểu. Những khác biệt trong đời sống hiện nay đã khiến các thế hệ khó lòng chia sẻ với nhau. Nếu là một nhịp cầu để kết nối quá khứ với hiện tại thì phim ảnh đã thực hiện được sứ mệnh nghệ thuật của mình.

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Đó chính là tâm thế của cha ông ta thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tâm thế ấy xuất phát từ hiện thực nóng bỏng của đất nước. Tâm thế ấy cũng được nảy mầm và nuôi dưỡng bởi giáo dục trong nhà trường.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng hệ thống giáo dục sau Cách mạng tháng Tám và những năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã khẳng định được sự ưu việt cùng các thành quả lớn lao, đào tạo nên những thế hệ thanh niên ưu tú cho đất nước.

Còn ngày hôm nay thì sao? Học sinh còn mang gánh nặng sách vở, túi bụi với các kỳ thi và nhọc nhằn vì áp lực điểm số đến từ nhiều phía. Các môn Lịch sử, Ngữ văn chưa được coi trọng đúng mức. Môn Giáo dục công dân thường đại khái. Các môn nghệ thuật như Âm nhạc, Mỹ thuật thì xơ cứng, đơn điệu.

Cách dạy và học thực dụng ấy đã coi nhẹ việc bồi đắp cảm xúc thẩm mỹ và tâm hồn học trò. Khi vào đời, thước đo mà xã hội thường dùng để đánh giá thành công của một người - đó là thông qua vị trí việc làm và những giá trị vật chất mà người ấy sở hữu.

Vậy thì đừng trách rằng giới trẻ thờ ơ với lịch sử, với quá khứ.

Giới trẻ không vô cảm, mà chính là những thước đo xã hội vô cảm.

Đã đến lúc việc giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phải thay đổi. Việc học Lịch sử, Ngữ văn và các nội dung liên quan đến sự phát triển trí tuệ, tâm hồn, nhân cách học trò cũng cần phải thay đổi. Những thế hệ công dân tương lai của đất nước không chỉ cần giỏi Toán, Lý, Hóa, hay Tin học, Ngoại ngữ. Họ xứng đáng có nhiều hơn thế, xứng đáng được nhận nhiều hơn thế.

Quá khứ tiếp nối trong dòng chảy đương đại. Nghệ thuật chứa đựng ước mơ đẹp đẽ mà mỗi chúng ta cần phải dự phần, để thấu hiểu cuộc sống, thấu hiểu chính mình, mở rộng các đường biên bằng tất cả trí tuệ và cảm xúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ