Nhóm Đuốc Mồi vừa thông báo “Bình Ngô đại chiến” - tập phim gây quỹ cuối cùng ra mắt công chúng. Đây là tập phim nằm trong dự án phi lợi nhuận, có tên “Việt sử kiêu hùng” mà những người trẻ đã gánh vác sứ mệnh truyền cảm hứng sử Việt cho người Việt.
Tròn chẵn 3 năm với 1.095 ngày điền dã tìm tư liệu, những người trẻ tự hào khẳng định: Lịch sử Việt quá hào hùng và bi tráng, người anh hùng của mọi thời đại toát lên vẻ đẹp hùng tráng và lẫm liệt. Lịch sử không hề khô khan, những con số không hề cứng nhắc nếu chúng ta biết cách “làm mềm” và khơi gợi những chi tiết đắt.
Điều thú vị mà những người trẻ làm phim về đề tài lịch sử là sự sòng phẳng. Họ tìm các tư liệu từ nước ngoài, đi điền dã sưu tầm câu chuyện không được ghi chép… và thừa nhận cả hai đáp án “thắng – thua” trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Những người trẻ nhận ra nguyên nhân khiến cho hậu thế xa rời lịch sử, đó là xu hướng bỏ qua những trận đánh mà chúng ta thất bại. Điều này vô tình khiến cho đời sau nghĩ rằng “cái gì chúng ta cũng thắng, cũng đúng”. Vì lúc nào “cũng thắng, cũng đúng” thì cần gì phải đọc sử, phải nghiền ngẫm những giai đoạn thăng trầm của các triều đại.
Quả đúng vậy! Qua các tập phim “Tử chiến thành Đa Bang” nói về cuộc chiến cuối cùng của nhà Hồ với quân Minh, đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem chỉ trong vòng 2 tuần lễ ngắn ngủi.
Những người làm phim đã chủ đích không chọn một trận đánh lớn mà chúng ta chiến thắng, ngược lại đã chọn một trận đánh nhỏ - một trận thua quyết định của nhà Hồ - dẫn đến sự tiêu diệt của một nền văn hóa. Gợi một thất bại đắt giá để thế hệ hôm nay coi đó là bài học quý giá, tránh những vết xe đổ của quá khứ.
Mỗi tập phim diễn họa ra đời, là sự háo hức của hàng triệu khán giả. Họ mong chờ câu chuyện nào sẽ được kể. Và rồi “Bình Ngô đại chiến” – tập phim cuối cùng của dự án lại đem đến niềm vui lẫn nỗi buồn cho hàng triệu người! Công chúng buồn vì sẽ không còn được theo dõi những tập phim sử Việt đặc sắc
thế nữa.
1.600 người ủng hộ với số tiền 1,3 tỉ đồng để làm phim “Bình Ngô đại chiến”. Họ là những sinh viên nghèo “nhịn ăn sáng một tuần” đến những kiều bào ở hải ngoại chung tay quyên góp. Điều đó chứng tỏ, nếu có cách làm hay thì đề tài lịch sử không chỉ hấp dẫn mà còn được đón nhận nồng nhiệt.
Không so sánh, nhưng cứ thử nhìn nhiều hãng phim lớn, kinh phí dồi dào, nhân lực đông đủ nhưng không thể thu hút khán giả. Nguyên nhân rất lớn đó là cách nhìn nhận lịch sử cứng nhắc, rập khuôn, nhàm chán.
Nếu như đơn vị sản xuất phim có tiềm lực “cải tiến” cách tiếp cận đề tài lịch sử và cách làm phim như Đuốc Mồi, thì không chỉ khán giả trong nước mong đợi, mà cánh cửa để xuất khẩu phim ra nước ngoài cũng rộng mở.