Đây là một tin vui với những nhà làm phim truyền hình Việt, thắp lên hi vọng phim truyền hình Việt sẽ khởi sắc.
Hiện tượng phim truyền hình Việt
“Chiều ngang qua phố cũ” là bộ phim truyền hình của đạo diễn Trịnh Lê Phong, chuyển thể từ kịch bản của Nguyễn Hồng Trâm và Chu Hồng Vân. Phim dài 26 tập, phát sóng vào cuối năm 2016, đầu 2017.
Bộ phim gồm 26 tập, lấy bối cảnh về một đại gia đình Hà Nội gốc. Phim kể về câu chuyện đời sống hiện đại của một gia đình truyền thống, những xung đột thế hệ, những va đập giữa quan điểm sống tình cảm và thực dụng, những ưu tư, hoài niệm về một lối sống thanh lịch đang dần bị mai một giữa cuộc sống bộn bề.
Việc được vinh danh tại một giải thưởng lớn không chỉ là niềm vinh dự đối với đoàn làm phim “Chiều ngang qua phố cũ” mà còn là động lực để các tác giả, các nhà làm phim trong nước tiếp tục cố gắng và khẳng định mình trong khu vực và trên thế giới.
Có thể nhận thấy, thời gian vừa qua đã có không ít phim thuần Việt tạo ra được cơn sốt khi lên sóng. Có thể kể đến bộ phim dài tập “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, đã tạo ra một sức hút đáng kể đối với đông đảo người xem truyền hình.
Trước đó, bộ phim “Zippo, mù tạt và em” khi lên sóng đã thu hút đông đảo khán giả trẻ, mỗi dòng chia sẻ về phim này trên fanpage của phim luôn dao động từ 5.000 - 11.000 lượt like (thích) và gần cả ngàn lượt bình luận.
Có thể nhận thấy, dù là thể loại tâm lý xã hội hay chính luận, nhưng điểm chung của những phim truyền hình Việt ăn khách thời gian qua là ở nội dung mang đậm hơi thở của cuộc sống hiện tại. Các nhà biên kịch và đạo diễn đã đi sâu vào khai thác tâm lý nhân vật, họ rất biết quan sát đời thường để nhặt nhạnh những chi tiết, những câu thoại rất đời.
Cần có thêm nhiều kịch bản hay và chất lượng
Sau một thời gian dài trầm lắng, phim truyền hình Việt đang dần lấy lại sức hút và có cú lội ngược dòng đầy ấn tượng. Thực tế, người Việt vẫn khao khát xem những bộ phim Việt bản sắc, chất lượng. Những bộ phim Việt chính là câu chuyện của người Việt, nói lên tâm tư đời sống, mang hơi thở cuộc sống xã hội của người Việt, mỗi người xem như cảm thấy mình ở trong đó.
Phim truyền hình Việt đã và đang tiến bộ nhiều, thời lượng phát sóng cũng tăng lên đáng kể. Tất nhiên, khi một bộ phim ra đời hay, dở còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên, kinh phí sản xuất… Song, hai yếu quan trọng bậc nhất vẫn là biên kịch và đạo diễn. Nếu biên kịch, đạo diễn không có sự am hiểu sâu sắc về đề tài thì không thể có kịch bản, không thể có một phim hay được.
Trước sự “lép vế” của phim truyền hình Việt Nam so với phim truyền hình ngoại đang tràn lan “phủ sóng” khắp các kênh truyền hình trong nước, khán giả đã và đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào những bước đi tiếp theo của dòng phim này. Sự thành công của phim truyền hình tại đấu trường quốc tế đã nâng tầm tên tuổi cho điện ảnh Việt, đồng thời là lời khẳng định cho chất lượng nghệ thuật của bộ phim cùng tài năng của ekip làm phim.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố làm nên thành công của bộ phim là kịch bản. Muốn có một bộ phim hay, phải có kịch bản hay. Chính vì thế, sự chuyên nghiệp từ mọi khâu đang là nhu cầu cấp thiết để phim truyền hình Việt tồn tại, bắt kịp thị hiếu cũng như trình độ thưởng thức của khán giả.