Nàng thiên nga thầm lặng của ballet Việt

GD&TĐ - Với khán giả yêu nghệ thuật múa ở Việt Nam thì cái tên Ngô Thụy Tố Như hẳn không xa lạ. Tính từ ngày Tố Như chập chững bước vào lĩnh vực múa đến nay đã ngót nghét 40 năm. Từng ấy năm, chị vẫn ngày đêm miệt mài với múa, đặc biệt với bộ môn ballet, dù mỗi thời điểm chị xuất hiện ở một vai trò khác nhau: một cô bé Tố Như tuổi lên bốn rụt rè học múa ở Nhà thiếu nhi Thành phố, một nghệ sĩ đi khắp nơi biểu diễn các vở ballet và một cô giáo tận tụy ở Trường múa TPHCM...

NSƯT Tố Như trong một vở diễn ballet - Ảnh: Nguyễn Minh Đức
NSƯT Tố Như trong một vở diễn ballet - Ảnh: Nguyễn Minh Đức

Ballerina dành cho Tố Như

Cuối tháng 9 vừa qua, khán giả TPHCM đã được thưởng thức một chương trình múa rất đẹp và sáng tạo có tên Ballerina diễn ra tại Nhà hát TPHCM. Nếu trong âm nhạc, các ca sĩ thường tổ chức liveshow của mình thì có thể gọi Ballerina là “liveshow” của nghệ sĩ múa Ngô Thụy Tố Như.

Ở tuổi 45, trong những phút đầu tiên của show diễn, Tố Như với bộ váy tutu bước ra sân khấu cùng những chuyển động nhẹ nhàng, linh hoạt của ballet là đủ để khán giả cảm nhận được chị yêu múa đến dường nào.

Với tình yêu bao nhiêu năm dành cho nghệ thuật múa, chị xứng đáng có một “liveshow” như là một kỷ niệm trong cuộc đời làm nghề.

Cách đây 4 năm, nghệ sĩ múa Nguyễn Ngọc Anh có dịp làm việc chung với Tố Như, khi chị sang Hồng Kông cùng tập một phần vở múa Sương sớm. Nghệ sĩ Ngọc Anh nhận thấy đây là một nghệ sĩ giỏi nên nảy ra ý tưởng làm một chương trình để người nghệ sĩ thầm lặng này lại được bước ra ánh sáng sân khấu.

Thế là Ngọc Anh và biên đạo Tấn Lộc của Công ty Arabesque “ủ mưu” thực hiện một chương trình để tôn vinh nữ nghệ sĩ mà họ yêu mến – Balleria ra đời như vậy.

Ngọc Anh và Tấn Lộc khẳng định đây thực sự là show diễn tôn vinh Tố Như, còn Tố Như thì vẫn với vẻ khiêm nhường thường ngày: “Nói tôn vinh nghe to tát quá. Hai đêm diễn Balleria như là những kỷ niệm tuyệt đẹp của mình”.

Mọi thứ được chuẩn bị từ cách đây bốn năm và tháng 12 năm ngoái, ê kíp chính thức lên sàn tập. Không đợi cho đến khi ra nhà hát Tố Như mới cảm nhận được hạnh phúc mà niềm hạnh phúc, đã len lỏi trong lòng chị từ những ngày trên sàn tập.

Ngọc Anh - biên đạo của Ballerina - hễ sắp xếp được thời gian là tranh thủ từ Hồng Kông bay về để tập cùng ê kíp, có khi về được 1 tuần, có khi chỉ về 3 ngày lại đi và một tháng trước khi ra nhà hát mới về hẳn để tập ráo riết.

Tấn Lộc - vừa là cố vấn nghệ thuật vừa là “chủ đầu tư” của chương trình – phải lo “cày” show ở ngoài để kiếm tiền bù lương cho anh em vì anh đã bảo mọi người ngừng diễn ở ngoài để tập trung tập chương trình này.

Đầu tư mà biết chắc dù show diễn cháy vé thì thu chỉ bù nổi một phần nhỏ của chi nhưng vẫn vui vẻ làm. Đồng nghiệp thì ngày đêm tập luyện cùng Tố Như, họ vỗ tay, hú hét, ồ à… động viên nhau và thán phục những kỹ thuật khó hay một động tác đẹp mà bạn diễn làm được. Có chứng kiến các buổi tập chương trình này của Arabesque thì sẽ hiểu được nỗi cảm động không nói nên lời của Tố Như.

Tố Như được diễn lại trích đoạn trong vở ballet cổ điển Don Quixote mà chị yêu thích nhất, được diễn cùng với biên đạo Ngọc Anh ở phần 2 và diễn ballet đương đại trong phần 3 của chương trình có tên Cho và nhận.

Ballerina nghĩa là nữ diễn viên ballet, một cái tên được chọn đặt cho show diễn thật đẹp, giản dị và đủ để diễn tả được hình ảnh của Tố Như. Ngọc Anh muốn khẳng định rằng Tố Như không chỉ là của Classcial ballet mà còn diễn được cả Contemporary ballet và Neoclassicial ballet. Và trong 2 đêm diễn Ballerina, Tố Như đã làm được điều mà biên đạo của mình mong muốn.

Khổ luyện ở trời Tây

11 tuổi, Tố Như được học bổng sang học ở Trường múa Quốc gia Kiev, Ukraine. 19 tuổi, chị trở về Việt Nam trong nhiều bỡ ngỡ. Hỏi Tố Như lúc đó chị có nhiều cơ hội để ở lại hay tiếp tục học tập, biểu diễn ở một trong các nước châu Âu hay không? Chị cười nhỏ nhẹ: “Lúc đó tình hình chính trị của các nước Đông Âu khá phức tạp, ba mẹ lo cho con gái nên mình học xong thì ba mẹ kêu về nước liền, thế thì về chứ cũng chẳng để ý cơ hội cho mình”.

Về nước những năm 1990, khi nghệ thuật múa ở Việt Nam không được chú trọng, đôi lúc Tố Như cũng chạnh lòng, bởi vì không có một môi trường tốt cho độ tuổi biểu diễn đẹp nhất của mình nhưng chị biết mình phải chấp nhận và cố gắng làm những gì tốt nhất cho nghề, môi trường không cho mình điều kiện làm được điều gì lớn lao thì cố gắng làm giỏi điều nho nhỏ, nếu thật sự đam mê.

Khi về đầu quân ở Đoàn múa Ballet Tháng 10, lâu lâu đoàn mới có show diễn trong nước, vài năm mới có lịch lưu diễn nước ngoài nhưng chị vẫn miệt mài tập luyện hằng ngày như thể ngày mai là bước ra sân khấu.

Nhiều năm làm công việc đào tạo, chị vẫn chăm chỉ dạy và chuốt bài cho học trò từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối. Bên cạnh đó, chị còn luôn tìm tòi, cập nhật những điều mới mẻ trong nghề để truyền đạt tốt nhất đến học sinh của mình.

Sau một thời gian dài chỉ đứng lớp dạy, Tố Như trở lại sàn tập chương trình Ballerina với vai trò nghệ sĩ biểu diễn chính. Tập luyện với cường độ cao, chị cảm giác như ở tuổi 45 mình phải bắt đầu lại từ đầu mà xương cốt không còn đủ dẻo dai để thực hiện những động tác xoạc chân, xoay người… Nhưng chỉ là mấy ngày đầu, sau đó Tố Như đã trở lại hình ảnh cô thiên nga trên sàn diễn, vẫn cần mẫn siêng năng như ngày nào.

Từ những nỗ lực của mình, Tố Như thường nhận được những lời khen tặng và cả những giải thưởng, thế nhưng lúc nào chị cũng tỉnh táo để biết mình có gì, thiếu gì và đã làm được gì.

Như biết mình không phải là một nghệ sĩ có hình thể đẹp, không có chiều cao lý tưởng… nên lúc nào cũng cố gắng tập luyện để làm sao xoạc chân được rộng hơn, xoay người được nhẹ nhàng hơn…

Là đàn chị nhưng gần như chỉ giỏi về ballet cổ điển, Tố Như thừa nhận khi đầu quân về Arabesque, chị mới biết thế nào là múa đương đại và cố gắng học hỏi đồng nghiệp.

Tố Như cười nhớ lại những ngày đầu tiên đến với múa đương đại mình còn rất e dè vì vẫn bị những khuôn khổ của classicial ballet chi phối, bước một chút ra khỏi khuôn khổ đó là chị sợ mình đã làm sai.

Nhờ đồng nghiệp động viên rất nhiều, Tố Như mới vượt qua được cảm giác đó và trở nên linh hoạt, uyển chuyển hơn trong múa.

Với việc dạy học, Tố Như là một cô giáo giỏi nhưng khi hỏi chị có muốn trở thành một biên đạo thì câu trả lời là: “Như rất dở về biên đạo. Một biên đạo giỏi là người giỏi hình dung về bức tranh tổng thể của một sô diễn còn Như chỉ giỏi về việc trau chuốt những chi tiết. Vì vậy, Như phù hợp với việc đi dạy hơn”.

Nói đến múa, người ta thường hay nói đến sự khổ luyện. Với Tố Như thì sự khắc nghiệt đó là đương nhiên khi mình đã chọn theo con đường này chứ không có gì phải than vãn cho nên những sự cố như bong gân, sung đầu gối, thoát vị đốt sống… chị đều nhẹ nhàng xử lý.

Ai muốn trở thành người nổi bật trên con đường nghề nghiệp của mình đều phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người khác, tất cả chứ không phải chỉ ngành múa. Tố Như cũng không thích nghe người ta chỉ trích môi trường múa ở Việt Nam chưa tốt để mình làm nghề, trong khi nghệ sĩ múa quá cực nhọc mà khó nổi tiếng.

Chị hình dung một người làm nghề múa giống như một người đầu bếp khi có nhiều nguyên liệu tốt thì họ có thể làm một bữa tiệc hoành tráng nhưng khi với một ít nguyên liệu họ vẫn có thể bày biện một bữa ăn tuy đơn sơ nhưng vẫn ngon và đẹp.

Thế nên, Tố Như khuyến khích những đồng nghiệp trẻ nếu đủ năng lực và có cơ hội tìm cho mình một môi trường tốt để trau dồi nghề nghiệp, thử thách sự sáng tạo của mình, còn những ai hoạt động ở Việt Nam thì hãy trở thành một đầu bếp khéo léo.

Show diễn dành cho mình khép lại, Tố Như lại trở về là một cô giáo quen thuộc với học trò của mình. Không phải kiểu như “Juliet không trẻ mãi” mà thừa thắng xông ra sân khấu, Tố Như biết Balleria là một kỷ niệm mà nói vui là sau này trở thành một bà già ngồi nhớ lại thì chắc chắn đây là một kỷ niệm rất đáng nhớ. Chỉ vậy thôi, còn chỗ của chị vẫn là trên sàn tập cho học trò.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ