Đặc biệt gần đây, sau khi phát sóng những tập đầu của phim “Quỳnh búp bê” trong khung giờ vàng phim Việt trên kênh VTV1 (từ 20 giờ 45 phút thứ Năm, thứ Sáu hàng tuần), VTV đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi.
Cha mẹ cần chủ động hơn
Lâu nay, dường như xã hội ta vẫn chấp nhận một nhận thức chung: Phim truyền hình là thể loại giải trí dành cho đông đảo khán giả. Thế nên, khung giờ vàng được nhà đài và người xem mặc nhiên coi là khung giờ dành cho khán giả nhiều độ tuổi, trong đó có cả trẻ em. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng khi cùng trẻ xem những bộ phim tình cảm, bạo lực của người lớn sẽ giáo dục con biết đâu là người tốt, người xấu, việc gì nên làm, việc gì không. Tuy nhiên, trên thực tế việc này rất khó và không phải cha mẹ nào cũng có thời gian vừa xem vừa giải thích cho trẻ hiểu một cách thấu đáo.
Tại Việt Nam, chưa có công trình nghiên cứu để đánh giá những tác động của việc xem phim tình cảm, bạo lực đối với sự phát triển nhân cách của trẻ nhỏ. Đó là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng xấu tới nhận thức cũng như hành vi của trẻ em sau này nếu tiếp xúc quá nhiều mà không được giải thích rõ ràng. Do còn nhỏ, trẻ chưa thể phân biệt được những hành vi trong phim ảnh là tốt hay xấu, nếu không được chỉ dẫn, trẻ sẽ dễ bắt chước theo. Vì vậy, cách tốt nhất là cha mẹ cần hạn chế hoặc thay đổi thói quen giải trí của mình vì con. Không phải mọi chương trình trên tivi đều không tốt với trẻ nhưng cha mẹ cần chọn lựa nội dung, quy định thời gian cụ thể để trẻ giải trí và học theo hướng tích cực.
Nên học tập nước ngoài?
Hệ thống phân loại theo độ tuổi của phim truyền hình Mỹ rất quy củ và chi tiết, từ trẻ con đến người lớn, vừa bảo vệ trẻ em vừa giúp các bộ phim đến được với công chúng mục tiêu. Là một trong những hệ thống phát hành phim có lượng khán giả đông đảo nhất hiện nay, từ lâu Netflix đã lập ra hệ thống cấp độ tuổi rất chi tiết đến từng lứa tuổi một. Không chỉ đơn giản là trẻ con - thiếu niên - người lớn, mà mỗi nhóm tuổi này cũng được chia nhỏ ra. Cụ thể, hệ thống phân loại ở Mỹ của Netflix bao gồm 16 cấp độ. Trong nhóm trẻ em nhỏ nhất có G, TV-Y, TV-G. Nhóm trẻ em lớn hơn có PG, TV-Y7, TV-Y7-FV, TV-PG, một vài phim thuộc nhóm PG-13 và TV-14. Nhóm thiếu niên có PG-13, TV-14. Nhóm người lớn có R, NC-17, TV-MA, UR, NR.
Các cấp độ khá phức tạp nhưng có thể hiểu là dao động từ G (bất cứ ai đều có thể xem) đến NR (không được xếp hạng, hay "ngoại hạng" và là bản không hề cắt gọt của một phim và không phù hợp với trẻ em hay thiếu niên). Các từ viết tắt trong xếp hạng trông khá rối rắm nhưng có thể căn cứ vào các con số để hiểu giới hạn độ tuổi, hoặc phức tạp hơn thì cũng đều có quy luật. Đơn cử, TV-Y7-FV là dành cho khán giả bằng hoặc trên 7 tuổi và có chứa nội dung "bạo lực tưởng tượng". Còn TV-MA là dành cho những phim có nội dung thiết kế dành riêng cho người lớn, không phù hợp với trẻ em hay thiếu niên.
Để nhận diện sự "không phù hợp" này, người ta căn cứ dựa trên những chi tiết trong phim thuộc dạng: Hài đen, thường xuyên dùng ngôn từ tục, bạo lực dữ dội (có hình ảnh máu me), ngôn từ mạnh bạo về tình dục và mô tả khá rõ hành vi tình dục...
Còn bên ngoài biên giới nước Mỹ, Netflix cũng xây dựng hệ thống phân loại chi tiết cho từng quốc gia như Canada, Brazil, Anh, Ireland, Thụy Điển, Đan Mạch, Nauy, Phần Lan, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Nhật, Singapore... và thêm một hệ thống "Dành cho mọi quốc gia khác" với độ phức tạp hoặc đơn giản tùy theo quốc gia.
Điều đó có nghĩa là, với cách phân loại chi tiết của kênh truyền hình nước ngoài, sẽ không có khái niệm "bạo lực" hay "khiêu dâm" chung chung, mà phải đi vào chi tiết như bạo lực ở cấp độ nào, hay cách đề cập đến tình dục, mô tả tình dục này phù hợp với lứa tuổi tối thiểu nào. Như ví dụ ở trên, FV là bạo lực tưởng tượng còn TV-MA là khi bạo lực được tả thực và dữ dội.