Chúng tôi đã phỏng vấn nhà biên kịch Nguyễn Thu Thủy về quá trình Việt hóa kịch bản phim “Ngày ấy mình đã yêu”.
- PV: Những tập đầu của bộ phim đã ra mắt khán giả. Tâm trạng của bạn lúc này thế nào?
- Biên kịch Nguyễn Thu Thủy: Mỗi khi một dự án của tôi lên sóng, tôi luôn hồi hộp. Với “Ngày ấy mình đã yêu”, tôi thậm chí còn có nhiều lí do để thấp thỏm hơn. Phần vì đây là kịch bản đầu tiên tôi Việt hóa, phần vì bộ phim lại chiếu đúng mùa World Cup nên ít nhiều bị “san sẻ” về mặt khán giả. Quan trọng nữa, đến chính tôi cũng không biết kết thúc phim sẽ thế nào.
- Phim có gì khác so với hình dung của bạn trong kịch bản không?
- Trong quá trình Việt hóa, tôi và anh Khải Anh (đạo diễn của phim) đã ngồi trao đổi kĩ với nhau về nhân vật và câu chuyện. Thậm chí, chúng tôi đã nhắm sẵn diễn viên cho từng nhân vật nên trong cách khai thác trên kịch bản cũng như hiện trường, cơ bản quan điểm chúng tôi có sự đồng nhất. May mắn, anh Khải Anh là một đạo diễn thông minh và lắm trò. Có những thứ ở hiện trường, anh ấy tôn trọng kịch bản, nhưng vẫn có những xử lí thực sự sinh động và thú vị khiến một người thuộc kịch bản nhất như tôi cũng phì cười.
- Điều gì khiến bạn bất ngờ nhất so với kịch bản?
- Vai diễn của cảnh sát giao thông Đức, Mr. Cần Trô là bất ngờ thú vị nhất. Ở bản gốc, đó là một thanh niên da trắng má hồng, rất xinh trai. Nhưng lúc Việt hóa, tôi và anh Khải Anh đã thống nhất đó là một anh chàng xấu mã. Chỉ không ngờ đến lúc ra hiện trường, cách xử lý của anh Khải Anh cộng với diễn xuất, giọng nói của diễn viên Hữu Nghị đã tạo nên một nhân vật thú vị như vậy.
- Đây là một bộ phim remake, nghĩa là phim làm lại từ một bộ phim đã sản xuất sẵn. Khi tiếp nhận dự án này, đâu là điểm thách thức bạn nhất?
- Khi được giao Việt hóa dự án này, tôi thậm chí đã hỏi sếp tôi rằng liệu tôi có thể từ chối không? Tôi không ngại khó khăn, cũng không ngại so sánh. Nhưng tôi là người sáng tác có cá tính mạnh và tính áp đặt với câu chuyện và nhân vật rất lớn. Hơn nữa, tôi và cả những đồng nghiệp của tôi đều tin rằng, bản thân chúng tôi có thể tự sáng tạo những câu chuyện độc lập, hoàn toàn Việt Nam mà vẫn hấp dẫn như những dự án đã từng có trước đó.
Nhưng, sếp tôi nhắc cho tôi nhớ rằng, thứ ta chưa từng làm sẽ luôn cho ta những bài học và kinh nghiệm quí. Tôi là một biên kịch chuyên nghiệp, tôi không thể giậm chân mãi ở một lĩnh vực mình tự tin. Tôi cũng cần phải làm tốt cả những việc tôi chưa từng làm.
Khi bắt tay vào Việt hóa, tôi nghĩ thử thách thú vị nhất của dự án này chính là: Sáng tạo trong đường biên. Sáng tạo trên những thứ đã có. Sáng tạo và phải đủ mạo hiểm cho những sự đổi thay.
- Làm kịch bản remake có dễ không?
- Giống như các kịch bản tôi đã làm. Để làm được thì không khó, nhưng làm một cách thuyết phục, làm một cách hấp dẫn và ghi dấu ấn sáng tạo của mình ở đó thì luôn luôn khó.
- Làm kịch bản remake có cần phải sáng tạo không?
- Về mặt lý thuyết, một dự án remake là đã có phần “ăn sẵn”. Chúng ta có nhân vật, câu chuyện, tình huống… tất tần tật mọi thứ đều sẵn có và phơi bày. Không còn điều gì bí mật, bất ngờ, thậm chí ngay cả kết thúc. Và viễn cảnh so sánh với bộ phim gốc là điều nhìn thấy đầu tiên.
Những điều đó có thể coi là áp lực. Nhưng, khi Việt hóa “Ngày ấy mình đã yêu”, chúng tôi lại nhìn đó như một cơ hội của người làm sau, của việc đã nhìn thấy tổng thể câu chuyện. Từ đó chúng tôi ý thức rõ được thứ có thể làm: phần nào giữ lại, phần nào bỏ đi, phần nào thay đổi hoặc bồi đắp…
Chúng tôi không có áp lực phải sáng tạo bằng mọi giá. Nhưng chúng tôi luôn sáng tạo khi có cơ hội và sáng tạo vì mục tiêu cuối cùng là sự logic và hấp dẫn của kịch bản.
- Làm phim remake và làm phim sáng tác, bạn thích cái nào hơn?
- Sáng tác hay “làm lại” đều có những cái khó và cái dễ riêng. Sáng tác là con đường tự do, ngẫu hứng, nhưng lắm rủi ro. Remake thì là đường đi an toàn, nhưng biên độ hẹp, cơ hội để lại dấu chân của chính mình trên đó không nhiều.
Một người biên kịch chuyên nghiệp, hạnh phúc nhất là được trải nghiệm trong những thách thức nghề nghiệp khác nhau, những “cung đường” khác nhau. Nhưng tư cách yêu thích của tôi vẫn luôn là một người sáng tác độc lập.
- Giữa làn sóng phim remake đang đổ bộ rầm rộ vào thị trường phim ảnh Việt Nam, với vai trò là biên kịch, bạn có nghĩ đây là hướng đi đúng đắn cho điện ảnh Việt không?
- Tôi nghĩ đích đến của thị trường truyền hình hay điện ảnh cuối cùng vẫn là một bộ phim hay. Trên hành trình đó, phim tự sáng tác hay remake sẽ chỉ còn là phương thức mà chúng ta lựa chọn một cách có cân nhắc mà thôi.
Thực tế những năm qua đã cho thấy, không phải cứ phim remake là sẽ an toàn, không phải cứ phim tự sáng tạo là sẽ rủi ro. Phản ứng của khán giả luôn khách quan, thú vị và khó lường. Cho nên, điều đúng đắn là hãy làm những thứ mà ta tin rằng có thể nỗ lực làm tốt nhất.
- Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc sẽ xuất hiện những bộ phim remake từ phim Việt Nam chưa?
- Có thể chứ! Tôi nghe nói đã có dự án điện ảnh Việt Nam được nước ngoài mua bản quyền. Vì chuyện chỉ là “nghe nói”, chưa xác thực, nhưng nếu nó nằm ở xác suất đúng thì tôi cho rằng, đó là tín hiệu vui.
Tôi tin rằng, khi có được sản phẩm thực sự hấp dẫn, thì đường ra thế giới của chúng cũng dễ dàng hơn…
- Xin cảm ơn sự chia sẻ của nhà biên kịch Nguyễn Thu Thủy.
Nhà biên kịch Nguyễn Thu Thủy (SN 1983) hiện đang công tác tại Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC). Chị đã thực hiện kịch bản nhiều bộ phim truyền hình như: Âm tính, Lập trình cho trái tim, Gái già xì tin…
Bên cạnh đó Nguyễn Thu Thủy còn là tác giả của các cuốn sách: Gái già xì tin, Mắt híp và môi cuốn lô, Hotboy Và Eo 58