Phim Nhà nước đặt hàng bao giờ quay lại rạp?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thực trạng các phim Nhà nước đặt hàng nhưng chỉ để cất kho đã tồn tại nhiều năm nay. Cũng không có hội đồng nghiệm thu đánh giá chất lượng phim.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Mới đây, bộ phim “Hồng Hà nữ sĩ” (Đạo diễn Nguyễn Đức Việt, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát) đã có buổi chiếu ra mắt tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và nhận được nhiều lời khen về kịch bản, về sự tỉ mỉ chính xác trong phục dựng bối cảnh, trang phục, các lễ nghi.

Sau buổi ra mắt này, “Hồng Hà nữ sĩ” sẽ tham dự Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 diễn ra tại Đà Lạt trong tháng 11 tới.

Trước đó, “Đào, phở và piano” (Đạo diễn Phi Tiến Sơn, Công ty Cổ phần Phim truyện 1) cũng đã có buổi chiếu ra mắt tại Hà Nội. Phim được Nhà nước đầu tư với số tiền lên tới 20 tỷ.

Có lẽ, sự kiện chiếu ra mắt chỉ là hợp thức hóa thủ tục để đưa tác phẩm kịp tham dự liên hoan phim. Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nếu để đưa phim ra rạp thương mại thì phải chi phí trước khoảng 1 tỷ cho nhà rạp, chưa tính việc chia tỉ lệ phần trăm doanh thu giữa nhà rạp và nhà sản xuất (ở đây là Nhà nước). Số tiền 1 tỷ ấy không biết lấy ở đâu ra. Và như vậy, những phim Nhà nước đặt hàng chắc chắn chỉ có thể chiếu trong các dịp lễ lạt, kỉ niệm, không bán vé.

Thực trạng các phim Nhà nước đặt hàng nhưng chỉ để cất kho đã tồn tại nhiều năm nay. Cũng không có hội đồng nghiệm thu đánh giá chất lượng phim. Phần đông công chúng không được tiếp cận, không biết là phim hay dở ra sao.

Ở liên hoan phim Việt Nam tổ chức 2 năm một lần, hay giải Cánh diều được Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức hàng năm thì những phim này cũng thật bé nhỏ, khiêm nhường, chẳng mấy khi được nhắc tới.

Quả là một thiệt hại không nhỏ về vật chất và tinh thần. Những người làm phim sử dụng ngân sách Nhà nước luôn cảm thấy khó khăn chật vật với đồng vốn giới hạn. Trong khi đó, tiền Nhà nước bỏ ra lại không thể thu hồi.

Nhân dân không hề biết Nhà nước có sự đầu tư về văn học nghệ thuật như vậy dễ tưởng lầm Nhà nước vô tâm. Tác phẩm thì nằm cô đơn trong các file lưu trữ.

Từ lâu, tất cả các đơn vị nghệ thuật trong cả nước đều có cùng một tông giọng khi cho rằng Nhà nước đầu tư nhỏ giọt, người làm nghệ thuật gặp nhiều khó khăn. Lời phàn nàn ấy không sai.

Nhưng nếu cộng các “giọt” ấy ở tất cả các lĩnh vực văn học nghệ thuật, trên phạm vi cả nước, thì số tiền là không nhỏ, trong khi ngân sách Nhà nước chưa bao giờ dồi dào, mọi lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ… cũng đều cần các khoản tiền lớn để tái thiết, phát triển.

Có lẽ bây giờ là lúc phải thay đổi quyết liệt cách đầu tư và cách sử dụng tiền đầu tư cho hiệu quả. Cụ thể như trong điện ảnh, cần phải đảm bảo sự thu hồi vốn, cần phải đưa tác phẩm tiếp cận khán giả để lấy lại niềm tin nơi công chúng, để mọi người biết được có một dòng phim Nhà nước vẫn đang tồn tại.

Làm thế nào cụ thể ư? Hẳn là một bài toán khó. Nhưng chắc chắn có cách giải quyết. Còn hơn là vừa mất tiền, vừa nhận về những lời phàn nàn trách cứ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ