Cổ phần hóa hãng phim Nhà nước: Ngổn ngang trước giờ G

GD&TĐ - Theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự định, đến cuối năm 2015, các hãng phim Nhà nước sẽ phải cổ phần hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cảnh trong phim “Hello cô Ba”
Cảnh trong phim “Hello cô Ba”

Đây là việc làm cần thiết trong cơ chế hiện nay, nhưng liệu việc cổ phần hóa này có phải là một cú hích cho phim Việt.

Xu hướng tất yếu

Trong danh sách 5 hãng phim Nhà nước phải cổ phần hóa, cho đến nay, về cơ bản mới có Hãng Phim truyện I hoàn thành được việc cổ phần hóa.

Còn lại 4 hãng là Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng Phim Giải phóng, Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam và Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đang trong giai đoạn chạy nước rút của quá trình chuyển đổi này.

Theo đạo diễn Phạm Thanh Phong: “Việc cổ phần hãng phim là tất yếu, đòi hỏi các hãng phim Nhà nước buộc phải đổi mới tư duy, trong thời kỳ bùng nổ phim thị trường như hiện nay.

Quá trình chuyển đổi cũng xóa đi khoảng cách giữa phim Nhà nước và phim tư nhân. Và nếu được cổ phần hóa, các hãng phim Nhà nước sẽ phải công khai đấu thầu phim theo đơn đặt hàng của Nhà nước.

Việc đấu thầu công khai, lành mạnh một mặt buộc các hãng phim Nhà nước phải có sự đầu tư nghiêm túc, sáng tạo để kéo khán giả đến rạp, một mặt phải tránh được kiểu làm phim “mì ăn liền”, thiếu tính nghệ thuật”.

Tuy nhiên, trong quá trình bắt tay vào cuộc xây dựng lộ trình, mỗi hãng lại gặp một khó khăn riêng.

Hãng Phim truyện I mặc dù cổ phần hóa từ năm 2010 nhưng đến giờ vẫn chưa thể tự sống nếu thiếu ngân sách Nhà nước.

Nguồn thu khác của hãng đến từ việc cho thuê nhân lực, thiết bị, dịch vụ làm phim, gia công cho phim truyền hình... Hãng gần như chưa tự sản xuất được bộ phim nào thu lợi nhuận từ rạp chiếu.

Chặng đường còn lắm gian nan

Thực tế chứng minh, khi cơ chế xã hội hóa điện ảnh ra đời đã làm cho diện mạo của nền điện ảnh có khởi sắc hơn, sinh động hơn, nhất là ở khu vực TP HCM. Tuy nhiên, để cổ phần hóa các hãng phim, chặng đường còn lắm gian nan.

Theo đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam cho biết: “Hiện nay đang thiếu hụt nhân lực kế thừa trong việc làm phim điện ảnh, kể cả trong hãng phim tư nhân.

Số lượng hãng phim tư nhân nhiều nhưng một số hãng phim là có làm phim, còn một số hãng phim chỉ làm các chương trình truyền hình, giải trí, nhằm bán vé là chính.

Cái khó là làm ăn thế nào để có phim hay và đời sống anh em khấm khá lên. Đó cũng là khó khăn chung của các hãng phim Nhà nước.

Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước và các hãng phim cần tìm ra một hướng đi, cách thức hoạt động hợp lý để tồn tại được sau khi cổ phần hóa mới là việc làm cần quan tâm hơn”.

Sắp tới, phim do Nhà nước đặt hàng cũng sẽ được đưa ra đấu thầu, và hãng phim Nhà nước hay tư nhân đều bình đẳng trước cuộc đấu thầu đó.

Việc đấu thầu công khai, lành mạnh một mặt buộc các hãng phim Nhà nước phải có sự đầu tư nghiêm túc, sáng tạo để kéo khán giả đến rạp.

Việc cổ phần hóa sẽ xóa đi khoảng cách giữa phim Nhà nước và tư nhân, vì thế sự hấp dẫn làm nên doanh thu phòng vé, còn tính nghệ thuật sẽ để lại dấu ấn trong phim.

Tuy nhiên, làm thế nào để các phim tư nhân không cần chạy theo thị hiếu khán giả với thể loại hài nhảm, sex, thô tục, sự rẻ tiền và dễ dãi trong nghệ thuật... là một bài toán mà các nhà làm phim hướng đến.

Đạo diễn Tất Bình, nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện I và là người trực tiếp dẫn dắt, đưa hãng này thực hiện việc cổ phần hóa, cho biết: “Hiện chúng tôi còn nhiều ngổn ngang cần giải quyết, phía trước là việc xây dựng phát triển công ty đầy khó khăn nhưng bên cạnh đó lại có cả một niềm tin cũng như khối lượng công việc lớn đang chờ đợi.

Việc không có đất đai, nhà xưởng vốn là một lợi thế lớn để chúng tôi nhanh chóng cổ phần hóa thì nay lại là một khó khăn trong việc bước vào kinh doanh. Nhưng đã bắt tay vào thì quyết tâm làm bằng được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ