Rạp chiếu phim Nhà nước lần lượt ‘chỉ còn là ký ức’

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mới đây, thông tin về rạp Hòa Bình - rạp chiếu phim lâu đời nhất ở Quảng Ngãi được bán đấu giá thành công khiến nhiều người không khỏi hẫng hụt.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Tình trạng các rạp chiếu phim thuộc sở hữu Nhà nước ở các tỉnh thành bị xuống cấp, tê liệt hoạt động đã xảy ra nhiều năm nay. Ngay như trên địa bàn Thủ đô, nơi có những rạp chiếu vang danh một thuở như Dân Chủ, Ngọc Khánh, Tháng Tám, Bạch Mai… thì trong vòng 2 thập kỉ trở lại đây, bao biến động đã xảy ra.

Rạp Dân Chủ, Bạch Mai đã bị xóa không còn dấu vết. Rạp Ngọc Khánh thuộc quản lý của Viện phim Việt Nam một năm tổ chức vài lần tuần phim kỉ niệm với những bộ phim cũ. Rạp Fafim Việt Nam ở Ngã Tư Sở ngừng hoạt động.

Rạp Kim Đồng được xây dựng khang trang nhân dịp kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội nay cũng vắng vẻ. Rạp Tháng Tám chục năm trước còn sôi động tấp nập, nay đìu hìu, buồn vắng, ngơ ngác. Chỉ còn rạp chiếu phim Quốc gia trụ vững, với lợi thế về vị trí và cơ sở vật chất.

Trong khi các rạp chiếu Nhà nước lần lượt rơi vào tình trạng “thời xa vắng” thì hệ thống rạp tư nhân lớn mạnh, hiện đại, thu hút mọi tầng lớp công chúng: Galaxy, BHD, CGV, Lotte… Trong đó, CGV và Lotte được mệnh danh là hai “ông lớn” chiếm tới 80 phần trăm thị phần rạp chiếu. Họ đều là các doanh nghiệp Hàn Quốc đang “làm mưa làm gió” ở nước ta.

Với một thị trường đông dân số và dân số trẻ như nước ta, rạp chiếu phim luôn là một địa chỉ hấp dẫn và phù hợp về tài chính. Kinh doanh rạp chiếu theo xu hướng thương mại đem lại lợi nhuận lớn. Đó là lý do vì sao Lotte và đặc biệt là CGV không ngừng mở rộng biên độ, từ thành phố lớn tiến về tới tỉnh lẻ.

Nhìn vào mức độ phủ sóng, mức doanh thu của họ, có thể thấy chúng ta đã thua ngay trên sân nhà. Các rạp chiếu thuộc sở hữu Nhà nước bị đánh bật ra khỏi cuộc chơi. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước thì đang phải chật vật cạnh tranh để tồn tại.

Tất nhiên trong nền kinh tế thị trường, ai giỏi thu hút được khách hàng là người chiến thắng. Nhưng ở góc độ chủ nhà, cảm giác xót xa là không tránh được.

Để phát triển công nghiệp điện ảnh, thì việc nắm thị phần rạp chiếu nội địa có vai trò quan trọng. Doanh thu từ đây sẽ góp phần vào lĩnh vực sản xuất phim cùng một hệ sinh thái đi kèm, với các sản phẩm giải trí, văn hóa nghệ thuật khác. Các phim trong nước cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn về khung giờ chiếu, tần suất chiếu, phần nào tránh được tình trạng bị o ép, độc quyền.

Biết là vậy. Nhưng thực tế thật khó thay đổi. Bởi kinh doanh rạp chiếu cũng chỉ là một lĩnh vực trong rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khác đang bị thâu tóm bởi các tập đoàn nước ngoài.

Biết là vậy. Nhưng sao vẫn thấy buồn, khi thêm một địa chỉ văn hóa chỉ còn là dĩ vãng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ