Rạp chiếu phim: Cuộc cạnh tranh giữa Nhà nước và tư nhân

GD&TĐ - Chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực điện ảnh đã tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong công tác phát hành phim. Bên cạnh các rạp chiếu phim của Nhà nước đã nở rộ nhiều rạp chiếu tư nhân với nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. 

Rạp chiếu phim: Cuộc cạnh tranh giữa Nhà nước và tư nhân

Điều đó cho thấy nếu không có chính sách ưu đãi phù hợp với các doanh nghiệp trong nước thì việc thị trường điện ảnh rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài là chuyện một sớm một chiều.

Rạp chiếu tư nhân thắng thế

Còn nhớ một thời gian dài, Công ty phát hành phim Việt Nam (Fafim Việt Nam) là doanh nghiệp Nhà nước từng làm mưa làm gió tại thị trường điện ảnh Việt. Đây là đơn vị độc quyền nhập và phát hành phim trong cả nước. Nhưng kể từ khi Luật Điện ảnh Việt Nam có hiệu lực, với sự có mặt của các doanh nghiệp tư nhân, thì Fafilm Việt Nam không còn riêng một khoảng trời nữa.

Hiện nay, trên cả nước có khoảng 500 cụm rạp, trong đó các cụm rạp của Nhà nước chỉ chiếm 20%. Hai đại diện được coi là đủ sức đối đầu với hệ thống rạp tư nhân, là BHD (với 4 cụm rạp trên cả nước: BHD 3 Tháng 2; BHD Cineplex Icon 68; BHD Phạm Hùng; BHD tại Trung tâm Thương mại Vincom Quang Trung - TPHCM) và Galaxy với 5 cụm rạp và 25 phòng chiếu. Ngoài những đơn vị này, thì những cụm rạp khác như rạp Tháng 8, rạp Ngọc Khánh hay cụm rạp tại các tỉnh hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng. Tại TPHCM một số rạp của Nhà nước trước đây khá đông khách như rạp Cầu Bông, rạp chiếu phim Hùng Vương thì giờ hoặc chuyển đổi công năng sử dụng hoặc xuống cấp, hạn chế nhiều về khả năng phục vụ.

Chiếm đến 80% thị trường đứng ở thế áp đảo là các rạp thuộc các công ty tư nhân có yếu tố nước ngoài. Có thể kể đến những cái tên đình đám, như hệ thống rạp CGV (với 27 cụm rạp, 176 phòng chiếu phủ khắp 10 thành phố lớn trong cả nước); Lotte Cinema (với 16 cụm rạp); Platinum (được thành lập bởi Tập đoàn Multivision từ Indonesia) với 5 cụm rạp. Những công ty này cũng đã đặt ra mục tiêu rất rõ ràng về việc tiếp tục chiếm lĩnh thị trường. Cụ thể hệ thống CGV đặt mục tiêu có 55 cụm rạp trên toàn quốc, tiếp tục củng cố vị trí số 1 của mình ở thị trường rạp chiếu phim; Platinum cũng đặt mục tiêu có 10 cụm rạp trên toàn quốc và chính thức tấn công thị trường TPHCM sau Hà Nội, Nha Trang.

Cần phải được cạnh tranh lành mạnh

Có thể nói việc nâng cao về chất lượng đời sống, kéo theo lối sống hiện đại của giới trẻ đã tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất, kinh doanh rạp chiếu phim. Không chỉ có mùa phim Tết mà vào những kỳ nghỉ của dịp lễ, hay ngày cuối tuần nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng cũng ngày một gia tăng. Khán giả cũng theo dõi kĩ càng việc ra mắt các bộ phim mới, đón xem phim bom tấn và sẵn sàng thu xếp lịch để có được chỗ tốt trong các phim mà mình quan tâm. Chính vì vậy, lợi nhuận của ngành kinh doanh này đang trở thành miếng bánh hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế lẫn trong nước.

Tuy nhiên có một thực tế đang diễn ra, đó là cùng kinh doanh một mặt hàng, tuy nhiên mức thuế đặt ra cho các cơ sở rạp chiếu lại không đồng đều. Theo giới chuyên môn nhận xét thì: Không chỉ lép vế về quy mô và số lượng, trong cuộc chạy đua này, các cụm rạp nội địa cũng chịu không ít thiệt thòi khi phải gánh thêm mức thuế. Đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp Việt phải chịu mức thuế là 20%. Còn đối với các phim Việt Nam sau khi được Hội đồng phim Trung ương cho điểm đạt từ 6,5 trở lên, các đơn vị sản xuất phim này được miễn giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng chế độ miễn, giảm thuế. Dù hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp nhưng việc kinh doanh cùng một ngành nghề, vốn đầu tư ít, mức thuế đóng cao hơn khiến các đơn vị trong nước luôn ở vào thế yếu.

Đó là chưa kể đến tỉ lệ ăn chia doanh thu, đặc biệt đối với các phim Việt do các đơn vị trong nước đầu tư - sản xuất, luôn ở mức bất lợi. Nhiều phim Việt phải chấp nhận tỉ lệ ăn chia chênh lệch rất cao 70 - 30 (30 thuộc về chủ phim Việt) muốn phim được phát hành rộng rãi trên các hệ thống rạp chiếu của các đơn vị nước ngoài.

Thị trường điện ảnh Việt Nam đang hướng đến con số 100 triệu USD doanh thu vào năm 2020. Song nếu không có chính sách thỏa đáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước thì sẽ khó có thể khích lệ họ cũng như tạo điều kiện để họ có thể bứt phá không thua kém các hệ thống rạp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ