Phim hài Tết 2020: Lắng lại với tiếng cười... tử tế?

GD&TĐ - 10 trước, mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhà nhà, người người nhộn nhịp làm phim hài. Nhưng năm nay, Tết đã cận kề mà không khí nhộn nhịp ấy có phần lắng xuống. Liệu rằng, với sự lắng này là để phim hài Tết “trở lại” tiếng cười... tử tế?  

Khán giả chờ đợi những tiếng cười sảng khoái mà sâu cay từ bộ phim hài Tết 2020 “Giấc mộng quan trường”. Ảnh chụp từ màn .
Khán giả chờ đợi những tiếng cười sảng khoái mà sâu cay từ bộ phim hài Tết 2020 “Giấc mộng quan trường”. Ảnh chụp từ màn .

Vắng vẻ, lưa thưa...

Tính đến thời điểm này, những bộ phim hài được các nhà sản xuất công bố đến công chúng còn rất lưa thưa. Với những: “Giấc mộng quan trường”, “Tết vui phết – Mr. Lù 3”, “Đại gia chân đất 10”, “Làng ế vợ 6”..., tính ra số phim hài Tết được “điểm danh” năm nay không nhiều, chừng dăm - bảy phim.

Trong số đó, “Đại gia chân đất”, “Tết vui phết – Mr. Lù 3”, “Làng ế vợ”... là những “đầu mục” phim được nối dài theo kiểu seris. Nếu như “Đại gia chân đất” đã được nối dài đến con số 10 thì “Làng ế vợ” đã sang tập thứ 6. Còn “Tết vui phết – Mr. Lù” thì đang tiến đến con số 3. Những phim này đang được thực hiện và hẹn ra mắt khán giả vào dịp cận Tết.

Trong khi đó, “Giấc mộng quan trường” là một bộ phim của đạo diễn Linh Đồng thì dường như đã “hòm hòm”. Những ngày qua, ekip thực hiện liên tục tung hình ảnh phân đoạn cũng như clip hậu trường đầy sôi động.

Nghệ sĩ Trà My – người thủ vai vợ lý trưởng chia sẻ rằng, khi được mời tham gia “Giấc mộng quan trường” chị đã rất hứng thú. Đấy là những ngày cuối năm, chị được cùng đoàn làm phim thực hiện các cảnh quay ở làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây. Với vai vợ lý trưởng, chị gặp phải “ca khó” khi phải thực hiện đến 3 lần cảnh quay tát lý trưởng (nghệ sĩ Trịnh Minh Dũng thủ vai).

Vào vai một cậu ấm con quan, nghệ sĩ trẻ Trọng Lân bảo rằng anh đã gặp khó. “Cũng vì tôi còn thiếu kinh nghiệm trong các vai diễn cổ trang nên khi tham gia dự án phim “Giấc mộng quan trường” tôi đã phải học cách đi đứng, động tác, lời ăn, tiếng nói... không hề dễ dàng”. Những cái khó này cũng được nghệ sĩ trẻ Thanh Hương cũng “ca thán”: “Dù là người thích phim cổ trang và được nhận vai diễn khá phù hợp – vợ quan tri phủ - nhưng tôi vẫn gặp khó.

Nhưng, vì vai diễn phù hợp với tính cách của tôi nên đấy là một thách thức vì không thể cứ bê y nguyên lên màn ảnh được. Tôi đã phải sáng tạo để có được vai diễn mặn mà.

Bên cạnh đó, lời thoại cũng rất khác so với những vai diễn trong các phim hài Tết trước đây tôi tham gia – đều là phim có bối cảnh thời hiện đại. Tôi cũng phải dành nhiều thời gian học cách đi đứng, động tác, cử chỉ...”.

“Trở về” tiếng cười... tử tế?

“Hài gì mà nhảm thế?”, “Toàn khoe thân chứ làm gì có tiếng cười?”, “Cố chọc bằng trò lố mà có thể cười được sao?”, “Ngập tràn quảng cáo, chẳng còn thấy hài đâu”, “Quảng cáo thương hiệu phô quá”...

Nhiều năm qua, phim hài không còn thực sự hấp dẫn khán giả trong những ngày đón xuân mới và luôn phải đón nhận những lời chê như thế từ khán giả.

Rõ ràng hiện nay, phim hài cũng đang chịu sự cạnh tranh của các game show truyền hình và đặc biệt là sự nở rộ của các sản phẩm hài trên Internet, vừa dễ làm vừa dễ phát hành.

Tuy nhiên, có một nguyên do quan trọng hơn cả dẫn đến sự “mất ngôi” của phim hài. Đó là, nội dung các bộ phim hài bị rơi vào sự lặp lại nhàm chán, buồn tẻ, không có được những câu chuyện mới. Để chọc cười khán giả, nhiều bộ phim đã mượn những cảnh khoe thân, lời thoại dung tục, diễn xuất kệch cỡm, có phần lố lăng.

Điển hình như seris phim “Đại gia chân đất” lấy tiếng cười từ thói ham hư danh, sĩ diện và học đòi của người nông dân, ban đầu đã khá “ăn khách”. Tuy nhiên, những tập gần đây càng ngày càng đi vào lối mòn của motip: đại gia nông dân có tiền lên thành phố ăn chơi để rồi chọc cười khán giả bằng những cảnh hở hang, dung tục.

Giữa hoàn cảnh đó, việc giảm số lượng phim cũng như “giữ sạch” cho phim hài là những cách mà các nhà sản xuất đang hướng tới.

Chẳng hạn, năm 2017, sự xuất hiện của “Tết vui phết – Mr. Lù” khai thác những câu chuyện hài hước xoáy sâu vào chủ đề bình đẳng giới, không theo phong cách hở hang mà khá “sạch sẽ” đang được công chúng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu tiếp tục giữ cách kể chuyện, lời thoại có phần kém duyên “Tết vui phết – Mr. Lù” sẽ sớm mờ nhạt.

Thực ra, khoảng mươi năm trước, phim hài luôn là một trong những sản phẩm được khán giả lựa chọn để thưởng thức vui vẻ trong những ngày Tết. Đấy là những năm phim hài phát hành thành công khi mang đến cho khán giả những tiếng cười vừa là giải trí nhưng cũng rất sâu cay và rất nghệ thuật.

Và, hẳn rằng mỗi khi nhắc nhớ lại những phim hài, những tiểu phẩm hài hay lắng đọng lại trong tâm trí của nhiều người thì không thể không nhắc đến seris phim của đạo diễn Phạm Đông Hồng, như “Chôn nhời”, “Trẻ con không ăn thịt chó”, “Thầy dởm”, “Người ngựa ngựa người”, “Kẻ cắp gặp bà già”...

Trong đó, tác phẩm “Người ngựa ngựa người” đã được biết bao người mến mộ bởi qua tài năng diễn xuất của Thanh Thanh Hiền và Xuân Hinh đã được cùng nhau “cười ra nước mắt”!

Ở đây, những bộ phim hài đó đều được khai thác từ kho tàng truyện cười dân gian. Mà từ xưa đến nay, tiếng cười dân gian luôn í nhị, tinh tế, sâu cay. Vì thế, đấy cũng là “nguyên liệu” quý để các nhà sản xuất phim hài tham khảo, khai thác và mang đến cho khán giả những thước phim hài hước mà thâm thúy...

Tết năm nay, khán giả chờ đợi một “Giấc mộng quan trường” thực sự sạch sẽ và ấn tượng. Cũng bởi lẽ, “Giấc mộng quan trường” hứa hẹn kể câu chuyện dân gian nhưng nóng hổi tính thời sự vì đã lấy chuyện xưa để nói chuyện nay.

Theo như hé lộ của đạo diễn Linh Đồng, bộ phim không chỉ “nóng” với những câu chuyện các bà vợ chạy chức, chạy quyền cho chồng mà còn “nóng” cả với những vấn đề thời sự như: Nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải, vụ cháy ở nhà máy phích nước Rạng Đông hay vụ phạt hành chính 200 nghìn đồng vì sàm sỡ trong thang máy...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ