Thế nhưng, sự thất bại về mặt doanh thu của nhiều phim đình đám vừa qua khiến dư luận đặt câu hỏi về tính hấp dẫn của những bộ phim “bom tấn” Việt Nam. Đây cũng là bài học đắt giá để những người làm phim buộc phải nhìn lại tìm ra con đường phát triển mang “chất” riêng của điện ảnh Việt.
Thất bại về doanh thu
Thời gian qua, dư luận không khỏi lưu tâm với bộ phim “Fan cuồng” của đạo diễn Charlie Nguyễn ra mắt ngày 28/6, được đầu tư tới 26 tỷ đồng nhưng lại không thành công như kỳ vọng. Sau một tuần công chiếu số tiền thu về mới chỉ trên 9 tỉ, đó là chưa kể hiện các suất chiếu của phim tại các rạp cũng bắt đầu vơi dần.
Trước đó, bộ phim “Truy sát” của đạo diễn Cường Ngô từng được kỳ vọng là một trong những tác phẩm “bom tấn” được chờ đợi nhất trong năm 2016, mức đầu tư cũng hàng chục tỉ đồng, hiệu ứng kĩ thuật đạt chuẩn quốc tế nhưng ra mắt rầm rộ vài hôm rồi vẫn vắng khán giả
Đồng cảnh ngộ là bộ phim “Có bao giờ yêu nhau” đạo diễn Dustin Nguyễn; “Yêu là phải xài chiêu” của diễn viên Khương Ngọc; “Vợ ơi em ở đâu?” của ca sĩ Thủy Tiên... khi vừa ra rạp, thông tin phim đã phủ khắp các phương tiện truyền thông nhưng cũng sớm rơi vào tình trạng ảm đạm.
Sự thất bại về mặt doanh thu của nhiều phim “bom tấn” Việt vừa qua là bài học đắt giá cho không ít nhà làm phim trong nước. Lý giải về điều này, nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhà sản xuất “thua” vì đã quá xem thường thị hiếu người xem, làm phim theo mô típ cũ, không có sự đổi mới và sáng tạo cả về nội dung, diễn viên.
Cần sự đột phá để hút khán giả
Thực tế, phim Việt đã khẳng định được thương hiệu và sức hút đối với khán giả trong nước qua những bộ phim “Tèo em” thu về 80 tỷ đồng, “Nhà có 5 nàng tiên” thu 60 tỷ đồng, “Mỹ nhân kế” thu 52 tỷ đồng... Điều đó cho thấy phim nội cũng có thể kiếm tiền triệu đô như phim ngoại trên sân nhà và thị trường điện ảnh ở Việt Nam hiện nay rõ ràng là một thị trường có vẻ... hái ra tiền. Một kịch bản đủ để đánh trúng tâm lí khán giả và yếu tố không thể thiếu là một dàn diễn viên ăn nhập sẽ kéo khán giả đến các rạp chiếu.
Theo các chuyên gia điện ảnh, khán giả thờ ơ với phim “bom tấn” Việt do nội dung không có gì mới mẻ, chất lượng kịch bản yếu kém. Hiện nay là một số nhà sản xuất phim Việt chủ yếu làm phim để “ăn theo” tên tuổi các diễn viên hay sản xuất kiểu tác phẩm sau “núp bóng” các phim “nổi đình nổi đám” trước mà họ từng làm, trong khi đã ra đời sau lại không có gì mới, nổi bật hơn so với những bộ phim trước đó.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, chúng ta cũng nên nhìn thẳng vào thực tế, đó là chất lượng phim Việt chưa đạt đến mức để các rạp phải ưu ái, trong khi công tác quảng bá, tuyên truyền cũng chưa tốt. Chính vì vậy, điện ảnh Việt cần phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa. Nếu chúng ta có những phim tốt như “Em là bà nội của anh” hay “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… để kéo được khán giả đến rạp, thì công tác quảng cáo, tuyên truyền cho phim Việt cũng là một yếu tố mà các nhà làm phim Việt cần chú trọng trong thời gian tới.
Giữa thời công nghệ, có khá nhiều loại hình giải trí để lựa chọn, khán giả rất cân nhắc khi chọn phim chất lượng, phim hay để chịu bỏ tiền tới rạp thì phim phải có sự sáng tạo, mới lạ, nội dung kịch bản đột phá. Và sự thất bại về doanh thu của những bộ phim “bom tấn” Việt cũng là bài học khiến những người làm phim buộc phải nhìn lại và tìm hiểu sâu sắc hơn khán giả cần gì, muốn gì để có thể đáp ứng tốt hơn và tìm ra con đường phát triển mang “chất” riêng của điện ảnh Việt.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần