Philippines: Đề xuất dạy phụ đạo cho học sinh khi mở cửa trường học

GD&TĐ -Từ 2/11/2022, các trường phổ thông công lập và tư thục tại Philippines sẽ mở cửa trực tiếp sau hơn hai năm đóng cửa vì dịch Covid-19.

Học sinh Philippines học trực tiếp sau dịch Covid-19.
Học sinh Philippines học trực tiếp sau dịch Covid-19.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã yêu cầu các trường áp dụng mô hình “học tập kết hợp” trực tuyến và trực tiếp, trong đó, tối đa thời lượng dạy học trực tiếp nhằm giúp học sinh bắt nhịp với trạng thái bình thường mới.

Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Arsenio Balisacan kêu gọi chính phủ không chỉ nối lại lớp học trực tiếp, mà cần tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh Philippines để bù đắp kiến thức bị gián đoạn sau 2 năm dịch Covid-19. Đồng tình với quan điểm trên, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng kêu gọi kéo dài thời gian học tập của học sinh để phục hồi học tập.

ADB cho biết: “Thời gian học phụ đạo có thể trang bị lại kiến thức cho học sinh, vốn bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa kéo dài. Các trường có thể tổ chức dạy phụ đạo vào cuối tuần, sau giờ học chính khóa hoặc rút ngắn thời gian nghỉ giữa các kỳ học, năm học”.

Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, 9/10 trẻ em 10 tuổi ở Philippines đang gặp khó khăn với kỹ năng đọc hiểu cơ bản. 91% trẻ em ở Philippines ở độ tuổi cuối tiểu học “không đọc thành thạo”.

Kết quả trên khiến nước này trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ “nghèo đói trong học tập” cao nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và trong các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp.

Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, “nghèo đói trong học tập” có nghĩa là không thể đọc và hiểu các văn bản ngắn, nội dung cơ bản phù hợp với trẻ em 10 tuổi.

“Tất cả trẻ em cần biết đọc trước 10 tuổi. Đọc là ‘cửa ngõ’ trau dồi kiến thức và ngược lại, không có khả năng đọc sẽ hạn chế cơ hội tiếp cận học tập. Việc đọc thành thạo cũng rất quan trọng đối với việc học tập ở các môn học khác”, báo cáo của Ngân hàng Thế giới phân tích.

So với các nước láng giềng, tỷ lệ nghèo đói trong học tập của Philippines cao hơn 56,4 điểm và cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của khu vực là 34,5%. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do số lượng đáng kể thanh, thiếu niên Philippines không được đến trường.

Tại Philippines, 5% trẻ em trong độ tuổi tiểu học không được đến trường hoặc nghỉ học hoàn toàn. Giống như hầu hết các quốc gia, tỷ lệ nghèo đói trong học tập ở trẻ em trai Philippines cao hơn trẻ em gái.

Ngân hàng Thế giới xác định 2 lý do cho vấn đề này. Thứ nhất, tỷ lệ trẻ em trai không được đến trường cao hơn (5,1%) so với trẻ em gái (4,8%). Thứ hai, trẻ em trai ít có khả năng đạt được trình độ thông thạo tối thiểu ở cuối cấp tiểu học (91,7%) so với trẻ em gái (89,2%) tại Philippines.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý rằng, Philippines chi tiêu cho giáo dục công ít hơn so với các nước cùng khu vực và có mức thu nhập.

“Chi tiêu cho giáo dục tiểu học cho mỗi trẻ em trong độ tuổi giáo dục tiểu học ở Philippines là 569 USD (khoảng 13 triệu đồng), thấp hơn 83,5% so với mức trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và thấp hơn 29,5% so với mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp”, Ngân hàng Thế giới cho biết.

Trước đại dịch, Philippines đã được đánh giá là thiếu đầu tư cho giáo dục. Điều này phản ánh qua các thành tích thấp trong kỳ thi toàn cầu như Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) năm 2018, Chỉ số và Xu hướng Học tập Tiểu học ở Đông Nam Á (2019).

Theo ST

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ