Nỗi lo khi Philippines mở cửa lại trường học

GD&TĐ - Quyết định tái mở cửa trường học vào tháng 11 của Chính phủ Philippines được các chuyên gia giáo dục hoan nghênh nhưng giáo viên lo ngại không đủ thời gian chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón học sinh.

Một trường tiểu học tại Philippines thí điểm dạy học trực tiếp.
Một trường tiểu học tại Philippines thí điểm dạy học trực tiếp.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Philippines là một trong số ít quốc gia vẫn đóng cửa trường học với số thời gian học trực tuyến kéo dài nhất thế giới.

Ước tính, học sinh Philippines đã nghỉ học từ tháng 3/2020. Nước này hiện đang áp dụng mô hình mở cửa thí điểm 100 trường phổ thông đủ điều kiện phòng chống dịch Covid-19 và Philippines tái mở cửa hoàn toàn trường học vào tháng 11 sắp tới.

Đầu tháng 7, Phó Tổng thống Philippines, Sara Duterte, đã ban hành lệnh cắt giảm dần các lớp học trực tuyến để chuẩn bị nối lại các lớp học truyền thống. Bà Sara cũng trấn an phụ huynh rằng, chính phủ, chính quyền các địa phương và các trường học đang cố gắng hết sức mình để bảo vệ học sinh khi số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại.

Bà Sara bày tỏ: “Khác với khi bắt đầu đại dịch, hiện tại mọi người đều ghi nhớ các quy trình y tế cơ bản. Chúng ta cũng có nguồn cung vắc-xin lớn và thuốc điều trị Covid-19”.

Theo bà Sara, sẽ không có sự phân biệt đối với trẻ chưa được tiêm chủng vì việc học chung là điều không thể tránh khỏi. Chính phủ Philippines cũng đang lên kế hoạch xây thêm phòng học để giải quyết vấn đề lớp học quá tải.

Hoan nghênh quyết định trên, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định việc mở cửa trường học có thể bù đắp thiệt hại trong thu nhập tương lai của học sinh hiện nay. Vì theo nghiên cứu của ADB, việc đóng cửa lớp học có thể khiến thế hệ trẻ em ở các quốc gia đang phát triển hiện nay mất 3,2 nghìn tỷ USD thu nhập suốt đời.

Bà Ayako Inagaki, Giám đốc Ban Phát triển Con người và Xã hội khu vực Đông Nam Á của ADB, nhận định: “Bộ Giáo dục Philippines đã đặt ra một quy trình mở cửa lại trường học gồm đeo khẩu trang, vệ sinh thân thể...; đồng thời phân bổ ngân sách bổ sung cho các trường học để cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19. Nhiều biện pháp quan trọng đang được triển khai như xây dựng có khu vực rửa tay, mở rộng chương trình bữa trưa học đường”.

Tuy nhiên, người đứng đầu Liên minh Giáo viên Manila, Vladimir Quetua, bày tỏ lo ngại hệ thống giáo dục công lập sẽ không có đủ thời gian, nguồn lực để trang bị đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị khi học sinh trở lại trường. Bởi lẽ số lượng học sinh tại các trường công lập Philippines sẽ tăng vọt khi đi học lại do hàng loạt trường tư đóng cửa trong dịch Covid-19. Điều này gây sức ép lớn lên hệ thống giáo dục công lập.

Còn chuyên gia France Castro lưu ý các trường học đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự, vật tư y tế. Thậm chí, nhiều trường không có phòng y tế với trang thiết bị tối thiểu.

Cuối tháng này, ông Quetua cùng khoảng một nghìn đại diện của các hiệp hội, trường học sẽ tham dự một cuộc họp trao đổi với chính phủ nhằm yêu cầu mở cửa lại trường học an toàn. Các chuyên gia dự kiến kiến nghị chính phủ tăng ngân sách giáo dục lên ít nhất 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo khuyến nghị của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, bà Ayako Inagaki, Giám đốc Ban Phát triển Con người và Xã hội khu vực Đông Nam Á của ADB, đánh giá việc tăng ngân sách sẽ cần một chặng đường dài. Trong khi từ nay đến thời điểm học sinh Philippines trở lại trường học, thời gian không còn nhiều.

Theo Nikkei Asia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.