Phiên tòa gây chia rẽ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc chưa từng có đã xảy ra trong lịch sử nước Mỹ khi cựu Tổng thống Donald Trump bị truy tố và phải ra trình diện trước tòa ở New York hôm 4/4.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sự kiện này đã khiến đất nước bị chia rẽ thêm sâu sắc.

Ông Trump bị cáo buộc 34 tội danh, tất cả đều liên quan đến việc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh cấp độ 1 - vốn được coi là một trọng tội ở New York khi có ý định lừa đảo, phạm tội khác hoặc hỗ trợ che giấu một tội ác.

Cụ thể, ông bị cáo buộc chi tiền để che giấu thông tin bất lợi trước bầu cử tổng thống năm 2016, trong đó có việc chi hàng chục đến hàng trăm nghìn USD cho các ngôi sao phim khiêu dâm.

Trước, trong và sau phiên điều trần ngày 4/4 ông Trump đều tuyên bố mình vô tội. Phát biểu sau khi rời phiên tòa, ông nói: “Chúng ta phải cứu lấy đất nước. Tôi chưa bao giờ nghĩ điều này có thể xảy ra ở Mỹ. Điều duy nhất mà tôi đã phạm phải là dũng cảm bảo vệ đất nước của chúng ta khỏi những kẻ tìm cách phá hủy nó”.

Ông cũng cáo buộc rằng ngay từ đầu, “đảng Dân chủ đã theo dõi chiến dịch tranh cử của tôi. Họ đã tấn công tôi bằng một loạt các cuộc điều tra gian lận”.

Trong khi các luật sư của Donald Trump khẳng định họ đang nỗ lực để minh oan cho ông và khép lại vụ việc, thì công tố viên quận Manhattan là Alvin Bragg khẳng định rằng phiên tòa thể hiện công lý, “đảm bảo tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, không có tiền bạc và quyền lực nào có thể thay đổi được nguyên tắc đó của nước Mỹ”.

Lần này trong các bài phát biểu trước và sau phiên điều trần, ông Trump không kêu gọi người ủng hộ ông phản đối tòa án và phe Dân chủ - điều được cho là đã gây ra cuộc bạo loạn khiến người biểu tình tràn vào Nhà Trắng năm 2016. Nhưng những gì diễn ra cũng đủ khiến nước Mỹ chia rẽ sâu sắc.

Thẩm phán cho phép ông Trump tại ngoại và không yêu cầu nộp tiền bảo lãnh. Phiên điều trần tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối năm nay, và quá trình xét xử có thể bắt đầu vào tháng 1/2024, gần thời điểm bầu cử tổng thống vòng sơ bộ.

Thực tế quá trình pháp lý cho đến nay đã làm gia tăng sự ủng hộ dành cho ông Trump và nhiều nhà quan sát cho rằng sự việc có thể định hình lại cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Theo thăm dò ý kiến của Đại học Quinnipiac thuộc bang Connecticut, khoảng 75% cử tri Cộng hòa được hỏi tin rằng ông Trump vẫn đủ tư cách tranh cử tổng thống. Những người trung thành với ông dù đã chứng kiến nhiều phát biểu và hành động, quyết định gây tranh cãi, nhưng vẫn tin rằng ông vô tội.

Một cuộc thăm dò khác cho thấy, 48% cử tri Cộng hòa muốn ông Trump trở thành tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, bỏ xa so với ứng cử viên tiếp theo của đảng Cộng hòa là Thống đốc Florida với 19%.

Người ủng hộ ông Trump cho rằng, đây là những âm mưu ngăn ông ra tranh cử, là sự lạm dụng quyền lực, đàn áp chính trị và vì vậy đe dọa đến nền dân chủ Mỹ. Cuộc điều trần diễn ra trong phòng xử kín, chỉ có một số phóng viên được tòa chỉ định cho tham dự, điều đó càng khiến nhiều người nghi ngờ sự minh bạch của tòa.

Ngược lại, nhiều người dân và chính trị gia lại ủng hộ việc truy tố ông Trump. Họ cho rằng nền dân chủ được tôn trọng khi không ai đứng trên luật pháp, rằng ông phải chịu trách nhiệm cho những gì mà họ coi là sự sai lầm và dối trá của ông đối với nước Mỹ.

Cuộc điều tra trên cho thấy 66% cử tri Dân chủ được hỏi tin rằng điều tra là đúng pháp luật. Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa không gây áp lực lên quá trình điều tra và tôn trọng quá trình tố tụng của luật pháp.

CNN cho rằng thẩm phán Alvin Bragg nếu có thể đưa ra các bằng chứng về cáo buộc sai trái với ông Trump thì các lập luận pháp lý của ông cũng có thể quá mơ hồ, phức tạp với công chúng.

Một số chuyên gia thì hoài nghi liệu cáo buộc chi tiền bịt miệng các diễn viên khiêu dâm có đủ sức nặng để truy tố ông Trump khi ông là cựu tổng thống và ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa.

Và một điều nữa, những người chống đối ông Trump cho rằng vụ kiện về sai lệch tài chính, chi tiền bịt miệng này không phải là điều quan trọng nhất mà ông phải chịu trách nhiệm, mà nhiều hơn thế, chính là sự chia rẽ của nước Mỹ, sự xa rời của Mỹ với đồng minh trong nhiệm kỳ của ông, cũng như những hình ảnh nước Mỹ ông Trump vạch ra khác với dòng chính trị chủ lưu, hình ảnh của một siêu cường thống trị thế giới suốt nhiều thập kỷ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ