Trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua rà soát, đánh giá cho thấy, một trong những nội dung còn khiếm khuyết là hộ kinh doanh không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự; quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp quận, huyện; chỉ được sử dụng dưới 10 lao động; không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện... Vì vậy, dự thảo luật đã bổ sung chương VIIa về hộ kinh doanh, quy định về nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định về hộ kinh doanh.
Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho rằng, hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế, cần được khẳng định về địa vị pháp lý và luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển, nâng cao năng lực quản trị, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia thị trường.
Do vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...) của hộ kinh doanh; quy định về tạm ngừng, chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; quy định về quản trị, kế toán, theo hướng đơn giản, thuận lợi về thủ tục hành chính nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra nêu rõ, trên thế giới hiện nay chỉ có hai nước có quy định pháp lý về hộ kinh doanh (Việt Nam và Trung Quốc), do vậy để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, bảo đảm quản lý việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm... của hộ kinh doanh nên đề nghị rà soát, bổ sung quy định chặt chẽ nghĩa vụ của hộ kinh doanh; rà soát phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban TVQH bày tỏ chưa yên tâm, đề nghị cân nhắc kỹ việc đưa hộ kinh doanh vào luật này. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần cân nhắc, đánh giá kỹ tác động việc đưa hộ kinh doanh vào dự luật. Bà cho rằng, “khi đưa một chủ thể vào một luật thì phải hết sức cân nhắc, vì Luật Doanh nghiệp từ trước đến nay điều chỉnh doanh nghiệp, giờ lại đưa hộ kinh doanh vào”.
Bà cũng đặt câu hỏi: Báo cáo thẩm tra có đề cập trên thế giới có hai nước quy định tính pháp lý của hộ kinh doanh là Trung Quốc và Việt Nam, vậy các nước còn lại quy định như thế nào và ở văn bản nào?
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý phải trả lời được câu hỏi lớn nhất là chúng ta sửa luật này thì giải quyết được bất cập hiện nay hay không? Đồng thời phải làm rõ việc sửa luật này có tương thích được với những luật mới ban hành hay không? Về đề xuất đưa hộ kinh doanh vào luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật là vấn đề lớn nhưng lại chưa có sự đánh giá tác động đầy đủ.
Vấn đề nào đã rõ, đã “chín”, đánh giá tác động được thì mới bổ sung. Còn nếu không, chỉ sửa những bất cập để tiếp tục phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển doanh nghiệp; chứ không nên đặt ra vấn đề chưa đánh giá tác động được.