Phi hành gia tử vong trong phi vụ sao Hỏa được xử lý thế nào?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, các sứ mệnh đưa người lên sao Hỏa trong tương lai không thể tránh khỏi sự mất mát về nhân mạng. Tuy nhiên, NASA hiện chưa có quy trình xử lý xác chết trong không gian.

Phi hành gia trong không gian. Ảnh minh họa.
Phi hành gia trong không gian. Ảnh minh họa.

Nhiều phương án được đưa ra, như “phóng” các phi hành gia xấu số ra ngoài không gian, an táng trên sao Hỏa, thậm chí dùng làm thức ăn cho phi hành đoàn. 

Nếu có sự cố trên hành trình bay

Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên không gian thú vị, mà nhiều người hy vọng bước chân đầu tiên của con người lên bề mặt sao Hỏa sẽ không còn xa nữa. Tuy nhiên, như CEO của SpaceX, Elon Musk, từng nói, “Nếu muốn lên sao Hỏa, bạn hãy chuẩn bị cái chết”.

Khoảng 21 phi hành gia đã thiệt mạng kể từ khi con người đầu tiên đặt chân lên phi thuyền và bay vào vũ trụ cách đây 60 năm. Theo các chuyên gia, số người chết chắc chắn sẽ gia tăng khi các cơ quan vũ trụ chuẩn bị cho các sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa.

Để đến hành tinh Đỏ, các phi hành gia phải mất ít nhất 7 tháng sống bên trong một khoang tàu không gian chật chội, vượt qua một quãng đường xa xôi, thăm thẳm. Nếu sống sót trong hành trình này, họ sẽ phải chịu đựng môi trường khắc nghiệt của thế giới sao Hỏa.

Khi một thành viên phi hành đoàn chẳng may chết đi trong khi thực hiện sứ mệnh, sẽ mất nhiều tháng, thậm chí vài năm, cơ thể của họ mới được đưa về Trái đất. Tình huống này đặt ra một câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể của một người chết trong không gian?

NASA không có các quy trình xử lý các xác chết trong không gian vì các phi hành gia được tuyển chọn cho phi vụ đều được đảm bảo về mặt sức khỏe thể chất, cũng như tinh thần. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã nghĩ đến tình huống này và đề ra các biện pháp xử lý khi một phi hành gia chẳng may thiệt mạng.

Trong thời gian thực thi nhiệm vụ trên hành trình đến sao Hỏa, liệu thi thể phi hành gia có thể được đặt trong kho lạnh hoặc sấy khô đóng băng cho đến khi tàu không gian quay về Trái đất hay không?

Quy trình sấy khô đóng băng trong không gian khác nhiều so với trên Trái đất. Trên Trái đất, người ta sẽ sử dụng nitơ lỏng để đóng băng cơ thể, nhưng trong không gian, một cánh tay robot sẽ treo cơ thể đã được bao bọc trong một chiếc túi ở bên ngoài tàu vũ trụ.

Cơ thể sẽ đóng băng trong một giờ, trở nên giòn, sau đó cánh tay sẽ rung lắc, làm vỡ thành những mẩu nhỏ. Quá trình này về mặt lý thuyết sẽ biến một phi hành gia nặng 90kg thành một khối chỉ còn 22kg, có thể cất giữ trên tàu vũ trụ trong nhiều năm.

Nhưng nếu quy trình sấy khô đóng băng này không phải là một lựa chọn, phi hành đoàn có thể tiễn đưa người đồng hành đã khuất của họ ở lại vĩnh viễn trong vũ trụ bao la.

Catherine Conley thuộc Văn phòng Bảo vệ Hành tinh của NASA nói với tạp chí Popular  Science: “Hiện tại, chưa có hướng dẫn cụ thể nào trong chính sách bảo vệ hành tinh, ở cấp độ NASA hoặc quốc tế, liên quan đến việc “chôn cất” một phi hành gia đã qua đời bằng cách phóng thi thể vào không gian”.

Giải pháp phóng người chết vào không gian có vẻ là lựa chọn dễ dàng nhất, thi thể sẽ ở trên hành trình của phi thuyền và nán lại nơi được thả ra.

Và nếu nhiều sứ mệnh chọn phương pháp này, các phi thuyền trong tương lai hướng tới sao Hỏa có thể sẽ va chạm với nhiều xác chết.

Cánh tay robot giữ thi thể người chết ngoài không gian chờ đóng băng. Ảnh minh họa.
Cánh tay robot giữ thi thể người chết ngoài không gian chờ đóng băng. Ảnh minh họa.

Tình huống xấu khi lên tới sao Hỏa

Nếu may mắn sống sót trên hành trình kéo dài xấp xỉ 7 tháng và đến được sao Hỏa, các phi hành gia sẽ phải đối mặt với những thách thức mới đe dọa sự sống còn của họ, đó là bức xạ. Các dữ liệu trước đây cho thấy sao Hỏa bị nhiễm bức xạ gấp 700 lần so với Trái đất.

Bức xạ có thể làm thay đổi hệ thống tim mạch, làm tổn thương tim, làm cứng và thu hẹp động mạch, hoặc loại bỏ một số tế bào trong lớp lót của mạch máu, dẫn đến bệnh tim mạch và có thể kết thúc bằng cái chết của phi hành gia.

Trong trường hợp này, việc chôn cất trên sao Hỏa là cần thiết, nhưng NASA có luật nghiêm ngặt về việc gây ô nhiễm các hành tinh khác từ vi sinh vật trên Trái đất.

Nhà khoa học Conley của NASA nói với tạp chí Popular Science: “Về việc vứt bỏ vật chất hữu cơ (bao gồm cả các thi thể) trên sao Hỏa, chúng tôi không áp đặt bất kỳ hạn chế nào miễn là phải loại trừ tất cả các vi sinh vật trên Trái đất. Vì vậy cần phải hỏa táng”.

Tuy nhiên, không phải mọi phi hành gia chết đều có thể được chôn cất, mà trong một trường hợp cấp bách nào đó, chẳng hạn như khi phi hành đoàn còn lại cạn kiệt thức ăn và để tồn tại, xác chết của người đồng đội có thể giúp họ duy trì sự sống trên đường trở về Trái đất.

Nghe có vẻ man rợ, nhưng trong quá khứ đã từng có trường hợp như vậy, khi một chiếc máy bay đâm xuống dãy núi Andes vào năm 1972. Các hành khách sống sót không có thức ăn và không có cách nào để liên lạc với bên ngoài, vì vậy để duy trì sự sống, tìm người đến cứu, họ đã có một quyết định khó khăn là ăn thịt những người đã chết ngay khi máy bay rơi.

Nhà sinh vật học Paul Wolpe cho biết: “Mặc dù chúng ta dành cho cơ thể rất nhiều sự tôn trọng, nhưng sự sống là chính. Nếu cách duy nhất để con người có thể tồn tại là ăn một thi thể, thì điều đó có thể chấp nhận được, cho dù không ai mong muốn”.

Theo DailyMail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ