Phi hành gia lên sao Hỏa: Đối mặt nguy cơ... mất cảm xúc

GD&TĐ - Nghiên cứu mới với sự hỗ trợ của NASA tìm hiểu tác động của vi trọng lực với hoạt động nhận thức. Kết quả cho thấy, tốc độ nhận thức của những người này chậm lại và khó có thể nhận biết cảm xúc của người khác.

Chuyến thám hiểm sao Hỏa có thể kéo dài ít nhất 3 năm.
Chuyến thám hiểm sao Hỏa có thể kéo dài ít nhất 3 năm.

Ảnh hưởng cấu trúc não 

Các sứ mệnh đưa con người tới sao Hỏa được coi là bước nhảy vọt lớn trong khám phá không gian. NASA đang đề ra mục tiêu đưa con người tới sao Hoả trong năm 2030. Tuy nhiên, chuyến hành trình đến sao Hỏa không giống như việc bắt một chuyến bay đến New York.

Bởi, không gian là một môi trường vô cùng khắc nghiệt đối với cuộc sống của con người, bao gồm việc thiếu lực hấp dẫn và bức xạ có hại, cũng như sự cô lập và không có ngày hay đêm.

Các sứ mệnh đến sao Hỏa sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở phi hành gia về thể chất và tinh thần so với những hành trình con người đã thực hiện trong suốt 60 năm thám hiểm không gian. Một chuyến bay đến sao Hỏa và trở lại sẽ kéo dài khoảng 14 tháng.

Trong khi đó, sứ mệnh thăm dò thực tế sẽ kéo dài ít nhất 3 năm. Duy trì khả năng nhận thức tốt cũng như làm việc hiệu quả theo nhóm là những điều kiện tiên quyết dẫn tới kết quả an toàn và thành công của những nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers of Physiology đã phát hiện ra rằng, việc thiếu trọng lực trong các sứ mệnh như vậy có thể mang lại tác động tiêu cực đến kỹ năng nhận thức, cũng như cảm xúc của các phi hành gia.

Kể từ những sứ mệnh không gian đầu tiên, rõ ràng là việc tiếp xúc với môi trường “vi trọng lực” (không trọng lượng) dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong cơ thể con người. Điều này bao gồm những thay đổi trong hệ thống tim mạch, cơ xương và thần kinh.

Trên Trái đất, chúng ta phát hiện lực hấp dẫn với sự trợ giúp của thị giác và các cơ quan khác nhau, bao gồm cả những cơ quan ở tai trong. Khi đầu chúng ta thẳng đứng, sỏi thính giác trong hệ thống tiền đình được cân bằng hoàn hảo nhờ một chất lỏng nhớt.

Tuy nhiên, khi chúng ta di chuyển đầu, trọng lực làm cho chất lỏng di chuyển theo. Điều này kích hoạt tín hiệu đến não rằng, đầu của chúng ta đã thay đổi vị trí. Trong không gian, quá trình này không còn hoạt động.

Chuyến bay vũ trụ thậm chí có thể mang lại những thay đổi bất lợi đối với cấu trúc não của các phi hành gia. Những thay đổi về cấu trúc của não đã được quan sát thấy ở các phi hành gia sau khi họ trở về từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Các nhà khoa học phát hiện, ở những phi hành gia này, não di chuyển về mặt vật lý bên trong hộp sọ và giảm khả năng kết nối giữa các vùng trên lớp não, vỏ não và những vùng bên trong.

Khả năng nhận biết cảm xúc vô cùng quan trọng với phi hành gia.
Khả năng nhận biết cảm xúc vô cùng quan trọng với phi hành gia.

Khó nhận biết cảm xúc người khác

Khả năng nhạy bén và tư duy nhanh nhạy của các phi hành gia là yếu tố vô cùng cần thiết trong một sứ mệnh không gian. Khả năng “đọc” chính xác các biểu hiện cảm xúc của nhau cũng vậy. Bởi, họ phải dành nhiều thời gian ngồi cùng nhau trong một không gian nhỏ. Do đó, các cơ quan vũ trụ được khuyến cáo cần xem xét đào tạo, cũng như hỗ trợ tâm lý cho các phi hành gia trước chuyến bay, nhằm giảm thiểu rủi ro này.

Tới nay, những thay đổi này ảnh hưởng đến hành vi như thế nào vẫn chưa được hiểu cụ thể. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang tới gần hơn với đáp án. Bởi, họ nhận thấy, các phi hành gia có thể bị mất phương hướng, rối loạn tri giác, rối loạn thăng bằng và say tàu xe. Song, những phát hiện như vậy thường được đưa ra dựa trên một nhóm nhỏ.

Nghiên cứu mới với sự hỗ trợ của NASA đã tìm hiểu tác động của vi trọng lực đối với hoạt động nhận thức.

Tuy nhiên, 24 người tham gia nghiên cứu không được đưa lên vũ trụ. Thay vào đó, các nhà khoa học đã yêu cầu những người này nằm trên giường.

Lý do là bởi, tác động của một kiểu nghỉ ngơi trên giường nhất định tương tự như tác động của vi trọng lực. Do đó, các nhà khoa học đã nhiều lần áp dụng phương pháp này trong nghiên cứu. Khi chúng ta đứng thẳng, cơ thể và sỏi thính giác trong hệ thống tiền đình cùng hướng với trọng lực. Trong khi đó, thời điểm nằm xuống, cơ thể và sỏi thính giác vuông góc với nhau.

Do đó, những người tham gia nghiên cứu phải nằm ngửa ở góc nghiêng 6 độ, đầu thấp hơn cơ thể. Họ được yêu cầu không thay đổi tư thế trong gần hai tháng. Đồng thời, những người tham gia cũng thường xuyên thực hiện một loạt các nhiệm vụ nhận thức được thiết kế cho phi hành gia và liên quan đến chuyến bay vũ trụ. Nhờ đó, giúp đánh giá định hướng không gian, trí nhớ, hành vi chấp nhận rủi ro và hiểu biết cảm xúc của họ về người khác.

Kết quả cho thấy, tốc độ nhận thức của những người này chậm lại một chút nhưng vẫn đáng tin cậy trong các nhiệm vụ liên quan đến kỹ năng cảm giác và vận động. Điều này có vẻ phù hợp với những thay đổi được báo cáo về mật độ mô não trên “các vùng cảm giác vận động”.

Đây là các vùng vận động và cảm giác chính của não, giúp xử lý đầu vào và chuyển động của giác quan, được quan sát sau khi một người bay vào vũ trụ. Những người tham gia cũng gặp khó khăn trong việc nhận biết cảm xúc khi nhìn vào khuôn mặt của mọi người. 

Việc điều chỉnh theo những thay đổi của trọng lực đòi hỏi thời gian và nỗ lực. Trong khi hiệu suất ở hầu hết các nhiệm vụ nhận thức ban đầu giảm, sau khoảng 60 ngày, những người tham gia đều không thay đổi suốt quá trình thử nghiệm.

Tuy nhiên, khả năng nhận biết cảm xúc của họ tiếp tục kém đi. Thực tế, những người tham gia trở nên thiên về cảm xúc tiêu cực. Họ có nhiều khả năng nhận ra nét mặt của người khác là tức giận và hầu như khó để giải thích người khác là vui hay bình thường.

Theo Space

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ