Vừa qua, tờ Politico dẫn nguồn từ Lầu Năm Góc cho biết rằng, mặc dù Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ không phản đối việc các nước khác có thể cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng Lầu Năm Góc vẫn quyết định không cung cấp loại chiến đấu cơ của chính mình cho Kiev.
Nguồn tin này cũng tiết lộ rằng, quyết định chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 vẫn chưa được Bộ Quốc phòng Mỹ thông qua. Lầu Năm Góc đã nhiều lần bày tỏ sự nghi ngờ nhu cầu của Không quân Ukraine với loại tiêm kích hạng nhẹ này trong giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột.
Tờ báo Mỹ dẫn lời cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Yuri Sak cho biết, Ukraine hy vọng sẽ nhận được tới 50 máy bay chiến đấu F-16 từ phương Tây, còn Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky muốn chủ đề máy bay chiến đấu sẽ là trọng tâm chú ý tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva.
Tuy nhiên, những người thuộc giới chuyên gia quân sự có kinh nghiệm thì lại có quan điểm khác. Theo một phi công ẩn danh chuyên điều khiển loại máy bay này cho biết, việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình trên chiến trường.
Viên phi công bày tỏ ý kiến trong cuộc phỏng vấn với CNN rằng, kỳ vọng từ việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine có thể quá cao, F-16 không phải là yếu tố quyết định, nó không phải là “cây đũa thần” có thể làm thay đổi cục diện cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Theo kênh truyền hình Mỹ nhận xét, trong trường hợp của Ukraine, có thể nói về việc chuyển giao các phiên bản F-16 cũ hơn, mà các đồng minh của Hoa Kỳ, đặc biệt là ở Tây Âu đang sở hữu.
F-16 thuộc chiến đấu cơ thế hệ thứ 4, những phiên bản đời đầu có tính năng kém hơn và do đó, nó không thể gây nhiều khó khăn cho các hệ thống phòng không Nga, đồng thời cũng không có ưu thế gì so với các chiến đấu cơ thế hệ 4++ của Nga như Su-35 hay thậm chí là Su-30SM.
Ngoài ra, những khó khăn đối với Ukraine có thể đến từ việc các phi công Ukraine đã quen với việc sử dụng những chiến đấu cơ kiểu Liên Xô nên việc chuyển loại bay, đồng thời để họ có thể sử dụng thành thạo loại chiến đấu cơ của Mỹ cũng mất rất nhiều thời gian.
Theo cựu phi công Peter Layton của Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia, có thể huấn luyện bay trên chiếc tiêm kích này trong vòng 3 tháng.
Tuy nhiên, cả Layton và phi công điều khiển F-16 Mỹ nói trên đều đồng thuận với ý kiến rằng, 3 tháng là thời gian vừa đủ để dạy phi công Ukraine những điều cơ bản như: Cất cánh máy bay lên không trung, giữ nguyên máy bay trên không và hạ cánh an toàn.
Hai vị phi công cho biết, máy bay F-16 rất dễ học bay, nhưng để sử dụng máy bay một cách hiệu quả trong “môi trường nguy hiểm năng động”, có thể phải cần nhiều năm. Còn để sử dụng nó thành thạo và hiệu quả trong chiến đấu thì còn phải trải qua quá trình huấn luyện trong môi trường giống như thực chiến.
Như vậy, để phi công Ukraine có thể sử dụng máy bay chiến đấu cho các nhiệm vụ chiến đấu đối đầu với những phi công lão luyện trên những chiến đấu cơ hiện đại của Nga thì họ cần có thêm nhiều giờ bay và nhiều kinh nghiệm thao luyện hơn nữa.
Do đó, theo các nhà quan sát những hy vọng về việc việc chuyển giao F-16 cho không quân Ukraine có thể chỉ là chiêu trò tâm lý để khích lệ Lực lượng Vũ trang Ukraine mà thôi.