'Phép màu' cho học sinh khuyết tật

GD&TĐ - Mỗi ngày đến lớp, các giáo viên tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An lại miệt mài, thầm lặng tạo nên những “phép màu”.

Cô Sa cùng học trò trong giờ học. Ảnh: Phạm Tâm
Cô Sa cùng học trò trong giờ học. Ảnh: Phạm Tâm

Thắp sáng tương lai

Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An (xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An) nuôi dưỡng, giảng dạy văn hóa và đào tạo nghề cho hơn 250 học sinh khuyết tật trí tuệ và vận động.

Gắn bó với trung tâm gần 15 năm qua, cô giáo Đinh Thị Sa cho biết, lớp có 18 học sinh, độ tuổi từ 8 - 20. Mỗi em là một tính cách, có dạng bệnh, hội chứng khác nhau như: Khuyết tật trí tuệ, thiểu năng, tăng động, tự kỷ, down…

Trong lớp học, có em tự thu mình, cả ngày không nói chuyện với ai; em lại nói chuyện nhiều, tay chân nghịch phá liên tục. Một số trường hợp nhìn thấy sách vở là xé; có em lại bỏ đi lang thang buộc cô giáo phải kèm cặp suốt ngày.

Chính vì thế, khi trẻ tới trường, cô giáo sẽ có những bài giảng riêng nhằm khắc phục khiếm khuyết, phát huy các thế mạnh. Những bài học này có thể là làm thủ công, vẽ tranh, hát múa, thậm chí có em lên lớp chỉ cần ngồi im một chỗ.

Theo cô Sa, các em trong lớp tiếp thu rất chậm. Cùng một chương trình học, so với học sinh bình thường, các em ở đây phải dạy trong khoảng thời gian dài gấp 3 - 4 lần. “Lên lớp ngoài việc học chữ, các em được dạy những điều đơn giản nhất như vệ sinh cá nhân, đánh răng, rửa mặt, cầm thìa ăn uống, hay tự mặc quần áo”, cô Sa kể và cho biết thêm, dạy trẻ khuyết tật trí tuệ rất phức tạp vì không có giáo án hay phương pháp cụ thể, chủ yếu dựa vào tình trạng từng em để có cách dạy riêng.

Việc các em tiến bộ, hòa nhập với cộng đồng phụ thuộc phần lớn vào chính bản thân, phần còn lại là nỗ lực của giáo viên và gia đình. Cô Sa cho rằng, để làm được điều này giáo viên cần có tình yêu thương con trẻ, sự kiên trì, thông cảm và chia sẻ...

“Thời gian đầu làm việc tại trung tâm, tôi rất áp lực, về nhà nhiều lúc bật khóc một mình. Nhưng theo thời gian, bản thân dần quen với công việc. Nhìn các em tiến bộ từng ngày, tôi rất mừng, dần dần xem các em như con, nhờ đó có thêm động lực tới trường”, cô Sa tâm sự.

Còn với cô giáo Đỗ Thị Trang, chủ nhiệm lớp dạy nghề May 1, dạy học cho trẻ khuyết tật không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn, còn cần một trái tim ấm áp; thường xuyên dành thời gian trò chuyện, chia sẻ, giúp các em thấy an toàn và yêu thương.

Cô Trang nhớ như in kỷ niệm của những ngày đầu đến lớp. Một lần, có học sinh khuyết tật vận động đang ngồi học bình thường bỗng lên cơn động kinh, ngã xuống nền đất co giật. Lần đầu vào trường gặp tình huống này, cô rất sợ và hoảng hốt. Chưa biết cách xử trí, cô Trang phải nhờ một học sinh nhanh nhẹn nhất lớp, chạy đến phòng y tế gọi giúp đỡ.

Về sau, vào đầu mỗi buổi học, cô Trang đều kiểm tra trước trong túi đồ mà học sinh mang đi ngăn nào để khăn mặt, ngăn nào để các loại thuốc được gia đình chuẩn bị sẵn. Lúc các em có biểu hiện động kinh, cô lập tức mở túi lấy khăn để chèn vào miệng, ngăn các em cắn vào lưỡi. “Tôi chỉ mong các em không tự ti về bản thân, sống vui, sống khỏe; có một tuổi thơ vô tư, bình thường. Các em học tập, ra trường đi làm bình thường như bao nhiêu người khác”, cô Trang tâm sự.

phep-mau-cho-hoc-sinh-khuyet-tat-1.jpg
Cô giáo Đỗ Thị Trang hướng dẫn học sinh sử dụng máy may. Ảnh: Phạm Tâm

Hạnh phúc giản đơn

Bên cạnh dạy kiến thức văn hóa, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An còn tổ chức các lớp dạy nghề và hướng nghiệp, mở ra cánh cửa tươi sáng cho những học sinh đặc biệt. Trong khi lớp khuyết tật trí tuệ chào đón các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, lớp dạy nghề lại tập trung vào những em từ 14 tuổi trở lên khi đã đủ khả năng nhận thức để có thể làm chủ cuộc đời.

Cô Đỗ Thị Trang chia sẻ, dạy nghề với một học sinh bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật còn vất vả hơn gấp nhiều lần. Trong lớp học nghề may, các em đến từ nhiều huyện, thành, thị khác nhau nhưng đều mang một khiếm khuyết nào đó như câm, điếc, tật vận động, khuyết tật trí tuệ nhẹ. Mỗi ngày đến lớp, giáo viên không chỉ đóng vai trò người thầy, mà còn là người mẹ, chị, bạn.

Là một trong những giáo viên có nhiều năm công tác tại trung tâm, cô Trang không thể quên những câu chuyện về học trò đặc biệt của mình. Có lần, cô Trang vô ý nói sản phẩm may của một nữ sinh lớn tuổi chưa đạt yêu cầu, cần sửa lại một chút. Bất ngờ nữ sinh đứng dậy, cầm mảnh vải vứt xuống đất rồi quay mặt đi.

Biết mình lỡ lời khiến học sinh giận, sau vài phút, cô Trang đã nhẹ nhàng ôm lấy học sinh động viên. “Em may như thế là đẹp rồi những có một vài đường kim, mũi chỉ chưa đạt yêu cầu. Chỉ cần em dành một chút thời gian may lại sẽ tuyệt vời hơn. Nói xong, tôi dìu em ngồi xuống và hướng dẫn may lại. Thấy em nghe lời, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, cô Trang nói.

Được chứng kiến các em trưởng thành, tự lập là niềm hạnh phúc lớn lao đối với giáo viên trung tâm. “Dù công việc vất vả, nhưng khi thấy các em ngày càng tiến bộ, tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Đó là động lực để tôi tiếp tục đồng hành cùng các em trên con đường phía trước”, nữ giáo viên tâm sự.

Với cô giáo Đinh Thị Sa, ngoài những giờ phút áp lực còn tìm thấy trong công việc nhiều điều đáng yêu từ học trò. Vào các ngày lễ như 8/3 hay 20/11, các em thường tặng cô những món quà nhỏ bé, đó có thể là bức tranh nguệch ngoạc, bông hoa dại hái trong vườn trường, hay đơn giản chỉ là nụ cười tươi rói.

“Các em học ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế mỗi món quà của các em đều mang một ý nghĩa đặc biệt. Lúc tốt nghiệp ra trường, nhìn những nụ cười của học sinh, tôi lại thấy mình thật may mắn, hạnh phúc”, cô Sa xúc động chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An cho biết, đơn vị đang giảng dạy văn hóa và đào tạo nghề cho hơn 280 học sinh khuyết tật, trong đó 180 học sinh nội trú đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Học sinh đều là những người yếu thế trong xã hội, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vắng sự quan tâm của gia đình. Chính vì thế, giáo viên tại trường luôn chia sẻ, động viên để các em tự tin, tiến bộ hơn để hòa nhập với cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.