Giáo viên dạy học sinh khuyết tật 'đỏ mắt' hoàn thiện hồ sơ nhận chế độ

GD&TĐ - Hàng trăm giáo viên ở các huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Thanh Hóa “mướt mồ hôi” hoàn tất hồ sơ để được nhận chế độ dạy HS khuyết tật.

Cô và trò ở điểm trường Sa Ná, Trường Tiểu học Na Mèo (Quan Sơn) trong ngày khai giảng năm học mới.
Cô và trò ở điểm trường Sa Ná, Trường Tiểu học Na Mèo (Quan Sơn) trong ngày khai giảng năm học mới.

Lí do là chính sách hỗ trợ giáo viên dạy học sinh khuyết tật có từ năm học 2012 - 2013 nhưng đến nay mới thực hiện.

Lục tìm hồ sơ 10 năm trước

Mặc dù, Nghị định 28/2012/NĐ-CP và Nghị định 113/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã hướng dẫn, quy định rất rõ về chế độ phụ cấp, ưu đãi đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tham gia dạy trẻ khuyết tật, tuy nhiên, từ đó đến nay, hàng ngàn giáo viên ở các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh... (Thanh Hóa) vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Ông Chung Trường Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo (Quan Sơn) - cho biết, khi có thông báo của cấp trên về việc yêu cầu những giáo viên đã từng tham gia dạy học sinh khuyết tật làm hồ sơ gửi về huyện để được hưởng chế độ. Tuy nhiên, qua nhiều năm, hồ sơ dạy học sinh khuyết tật cũng có thể bị thất lạc, hoặc có những học sinh đã lớn, nghỉ học, chuyển đi nơi khác sinh sống... nên việc hoàn tất hồ sơ gặp rất nhiều khó khăn.

“Tuy nhiên, đây mới là 1 năm học 2021 - 2022, còn để hoàn tất hồ sơ của những năm trước thì giáo viên vô cùng vất vả. Bởi, thời gian từ năm 2012 đến nay đã là 10 năm. Có chăng, các thầy, cô giáo chỉ hoàn tất được hồ sơ từ năm 2015 đến nay”, ông Thành cho hay.

Cũng theo ông Thành, năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Na Mèo có 8 giáo viên tham gia dạy học sinh khuyết tật, do đó khi có yêu cầu hoàn tất hồ sơ, các giáo viên cũng đã nộp hồ sơ, danh sách về huyện.

Còn ông Lê Huy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT Quan Sơn, cho biết, khó khăn trong việc truy lĩnh chế độ giáo viên dạy học sinh khuyết tật là thời gian đã kéo dài tới 10 năm, nên để làm lại hồ sơ là rất khó.

“Để xác lập được hồ sơ, giáo viên phải đi xác nhận từ nhiều khâu. Trong khi đó, có những trường đã sáp nhập, thay đổi tên trường, con dấu hoặc chuyển đổi mô hình từ THCS sang bán trú. Bên cạnh đó, có những hiệu trưởng, hiệu phó đã nghỉ hưu, có người đã chuyển công tác... Vì thế, để xác lập được hồ sơ của những học sinh khuyết tật là điều không hề đơn giản”, ông Hà chia sẻ.

Theo thông tin từ Phòng Tài chính huyện Quan Sơn, hiện nay đơn vị này đang gấp rút hoàn tất thủ tục để chi trả cho giáo viên. Tuy nhiên, danh sách thống kê, rà soát để chi trả khoản tiền này mới chỉ lập được của năm học 2021 - 2022.

Theo đó, số học sinh khuyết tật của huyện là 147 học sinh của 37 trường học (từ mầm non đến THCS). Số giáo viên tham gia dạy học sinh khuyết tật là 326 người. Tổng số kinh phí chi trả phụ cấp cho giáo viên dạy lớp có học sinh khuyết tật là hơn 1,6 tỷ đồng.

Giờ tan học của Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

Giờ tan học của Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

Cùng chung cảnh ngộ với huyện Quan Sơn, ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh..., hiện nay cũng mới chỉ hoàn thiện được hồ sơ của năm học 2021 - 2022. Còn lại từ năm học 2020 - 2021 trở về trước thì rất khó để hoàn chỉnh được hồ sơ.

Ông Lê Đức Hiếu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa, nói: “Liên quan đến vấn đề giáo viên được hưởng chế độ dạy học sinh khuyết tật, hiện nay Phòng đã hoàn tất hồ sơ năm học 2021 - 2022.

Chủ tịch UBND huyện cũng đã phê duyệt quyết toán nguồn kinh phí chi trả cho nhà giáo dạy người khuyết tật theo phương thức hòa nhập năm học 2021 - 2022 trên địa bàn huyện, với số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Số giáo viên được hưởng chế độ này là 323 người, bao gồm các bậc học từ mầm non đến THCS”.

Cũng theo ông Hiếu, để giải quyết được chế độ cho giáo viên đã dạy học sinh khuyết tật, tỉnh phải có phương án xử lý tối ưu nhất, để giáo viên đỡ bị thiệt thòi vì không thể hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Bởi lẽ, từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2020 - 2021, giáo viên các nhà trường rất khó hoàn thiện được hồ sơ, vì thời gian đã khá lâu.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, cho biết: Liên quan đến vấn đề này, UBND huyện Lang Chánh cũng đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, để chi trả tiền chính sách cho giáo viên.

“Hiện nay, chúng tôi đã thống kê được danh sách số lượng học sinh khuyết tật, số giáo viên tham gia giảng dạy từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, hiện vẫn đang chờ Phòng Tài chính huyện hỏi Sở Tài chính lần cuối trước khi phê duyệt chi trả kinh phí của năm học 2021 - 2022. Còn các năm trước thì đang rất vướng, vì chưa có văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh. Bởi, chẳng biết tỉnh có chấp thuận cho việc phê duyệt kinh phí hay không, khi hồ sơ của trẻ khuyết tật được phục dựng lại”, ông Sơn nói.

Theo lý giải của ông Sơn, hồ sơ phục dựng là: Những trường hợp trẻ khuyết tật là có thật. Ví dụ: Trẻ có học ở trong nhà trường; có trong sổ điểm; có xác nhận trẻ khuyết tật của UBND cấp xã, thị trấn... Nhưng, các hồ sơ minh chứng, như: Kế hoạch giảng dạy trẻ khuyết tật của nhà trường, quyết định phân công giáo viên dạy trẻ khuyết tật thì không có, nên phải phục dựng chứ không phải là lập khống. Do đó, nếu UBND tỉnh đồng ý cho việc phục dựng hồ sơ thì huyện mới có thể phê duyệt kinh phí chi trả chế độ này cho giáo viên.

Văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT Thanh Hóa về việc chi trả khoản kinh phí này, nêu: Đối với năm học 2021 - 2022, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố chủ động sử dụng nguồn kinh phí đã được giao trong dự toán, nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả, thanh quyết toán và chịu trách nhiệm về toàn bộ quyết định của mình.

Đối với các năm học 2020 - 2021 trở về trước (tức năm học 2012 - 2013), UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổ chức phê duyệt các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách, đề xuất nhu cầu kinh phí gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bổ sung kinh phí để đảm bảo chế độ cho các đối tượng theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vi khuẩn có thể chống chọi bằng cách mặc áo giáp và dùng bơm công suất lớn đẩy kháng sinh ra ngoài. Ảnh minh họa

Cơ chế khiến vi khuẩn kháng kháng sinh

GD&TĐ - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố, kháng kháng sinh (AMR) là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt.

Huấn luyện viên Arne Slot và cầu thủ đồng hương Ryan Gravenberch. Ảnh: ITN

Arne Slot và di sản Jurgen Klopp

GD&TĐ - Kế thừa di sản vĩ đại mà Jurgen Klopp đã để lại ở Liverpool dĩ nhiên là một áp lực không hề nhỏ với chiến lược gia còn ít tên tuổi như Arne Slot.

Vữa xây tường lều tang lễ của Quốc vương Ghezo được trộn bằng dầu đỏ, máu người và máu động vật. Ảnh: Ancient-origins.net

'Cung điện máu' Abomey

GD&TĐ - Thời phong kiến, Bénin có tên là Vương quốc Dahomey, được thành lập vào khoảng năm 1600 và phát triển mạnh nhờ vào buôn bán nô lệ.