TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi xung quanh vấn đề tạo môi trường học tập cho học sinh khuyết tật.
Cần hiểu đúng
- Dưới góc độ quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT đã có những chính sách gì để tạo thuận lợi cho công tác giáo dục trẻ em, học sinh khuyết tật thưa ông?
- Thời gian qua, ngoài những chỉ đạo về công tác giáo dục học sinh khuyết tật (HSKT) trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với các cấp học, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Bên cạnh nội dung liên quan đến can thiệp giáo dục sớm và hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ em, HSKT học ở các trường mầm non, phổ thông cùng trẻ em, học sinh không khuyết tật, Bộ GD&ĐT đã cho phép các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập có thể tổ chức dạy và học cho HSKT theo phương thức giáo dục chuyên biệt.
Sau khi học ở trung tâm để phát triển các kỹ năng đặc thù, học tập văn hóa phù hợp, trẻ em, HSKT nào đảm bảo hòa nhập được thì có thể ra trường mầm non, phổ thông để học với các em không khuyết tật.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng, ban hành các chính sách khác liên quan đến giáo dục đối với HSKT, trong đó trước hết là quy chế tổ chức và hoạt động các trường/lớp dành cho người khuyết tật. Văn bản này sẽ quy định, làm rõ hơn việc dạy và học cho HSKT nhằm đảm bảo quyền học tập.
Bộ GD&ĐT đang tham mưu với Thủ tướng Chính phủ để trình phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với Quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta sẽ có một hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trường dành cho HSKT trải rộng trên toàn quốc. Bên cạnh cơ sở giáo dục của HSKT đã có, dự kiến mỗi địa phương sẽ có ít nhất một trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Việc phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập sẽ là cơ sở để HSKT nếu đủ điều kiện sẽ được học tập hòa nhập ở các trường mầm non, phổ thông và hỗ trợ thêm từ giáo viên có kinh nghiệm ở các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hoặc trường dành cho HSKT. Với em chưa thể học hòa nhập ngay có thể học tập tại trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hoặc trường/lớp dành cho HSKT trước khi tham gia giáo dục hòa nhập hoặc hòa nhập cộng đồng.
- Theo ông, việc dạy học cho HSKT cần chú trọng yếu tố nào?
- Theo quy định hiện hành, HSKT được tạo điều kiện học tập phù hợp với khả năng, nhu cầu. Nói cách khác, vấn đề quan trọng là nội dung giáo dục, học tập được nhà trường lựa chọn sao cho phù hợp năng lực từng em. Do đó, việc học tập của HSKT thực hiện trên cơ sở Kế hoạch giáo dục cá nhân.
Kế hoạch giáo dục cá nhân bản chất chính là nội dung (chương trình) mà HSKT sẽ học tập theo kỳ học, năm học. Mục tiêu nội dung giáo dục, học tập nhằm giúp các em vượt qua khó khăn do các dạng tật gây nên thông qua rèn luyện kỹ năng đặc thù và học tập được nội dung kiến thức văn hóa phù hợp.
Ví dụ, thông qua rèn luyện kỹ năng đặc thù, HSKT trí tuệ cần làm sao để tự chủ, tự phục vụ và phát triển bản thân; với HSKT nhìn phải biết định hướng và học chữ nổi Braille; học sinh khuyết tật nghe - nói cần biết tiếp cận và nắm bắt được ngôn ngữ ký hiệu… Những kỹ năng đặc thù đó qua rèn luyện trong các trung tâm, nhà trường sẽ giúp HSKT hòa nhập với cuộc sống.
Cùng đó, chúng ta xây dựng nội dung học tập về văn hóa cho HSKT. Các em vẫn học nội dung trong chương trình chung của Bộ GD&ĐT nhưng ở mức độ phù hợp. Tức là, một HSKT học lớp 5 nhưng vài môn học được miễn/giảm một số nội dung; hoặc học theo nội dung các lớp dưới.
Trên cơ sở nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục cá nhân, chúng ta cũng tiến hành kiểm tra, đánh giá HSKT. Từ đó, xác định các em hoàn thành chương trình lớp học/cấp học nhưng theo kế hoạch giáo dục cá nhân, đảm bảo quyền học tập bình đẳng như học sinh không khuyết tật.
TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: TG |
Thực hiện đầy đủ chính sách
- Theo ông, chính sách đãi ngộ với giáo viên dạy học sinh khuyết tật đã tương xứng với đặc thù công việc?
- Hiện, giáo viên dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục được hưởng các chế độ đãi ngộ theo quy định. Cụ thể, nếu là giáo viên dạy HSKT học hòa nhập thì nhận được phụ cấp 20% theo quy định của Nghị định 28/2012/NĐ-CP. Với giáo viên dạy HSKT trong cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho HSKT được phụ cấp 70%. Dù vậy ở một số địa phương, việc chi trả phụ cấp cho giáo viên dạy HSKT học hòa nhập chưa thực hiện đầy đủ.
- Hiện có khá nhiều trung tâm can thiệp sớm dành cho trẻ khuyết tật. Ông lưu ý gì với gia đình có con bị khuyết tật khi tới các cơ sở này?
- Trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc quản lý của ngành Giáo dục hiện nay không có các trung tâm can thiệp sớm hoặc tên tương tự. Theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, ngành Giáo dục chỉ quản lý về mặt chuyên môn đối với các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trường/lớp dành cho HSKT.
Thực tế có việc cấp phép cho các tổ chức khác nhau làm về công tác đối với người khuyết tật và có thể có các hoạt động can thiệp sớm cho HSKT. Các trung tâm như vậy không trực thuộc quản lý Nhà nước của ngành Giáo dục. Chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo đơn vị này phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được cho phép, bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ theo quy định pháp luật.
- Xin cảm ơn ông!
“Để bảo đảm quyền lợi cho HSKT, phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan có chuyên môn để kịp thời phát hiện dấu hiệu khuyết tật, can thiệp sớm, tìm phương thức giáo dục phù hợp nhất và xây dựng Kế hoạch giáo dục cá nhân để triển khai. Từ đó bảo đảm quyền được học tập và học tập có chất lượng, giúp HSKT tiến bộ, vượt qua khó khăn do dạng tật gây nên, có thể sống độc lập và hòa nhập cộng đồng”, TS Tạ Ngọc Trí nhấn mạnh.