(GD&TĐ) - Ngày nay, sáng tác văn chương đã trở thành một hoạt động xã hội vừa có tính chất phong trào tự phát vừa có đặc tính tổ chức.
Nhìn nhận nó, người trong giới khi thì bảo đó là một nghề, người khác, có lúc lại cho rằng đó là cái nghiệp, có anh bảo: Tôi chọn văn chương và quyết theo văn chương, có chị lại nhún nhường ý tứ nói: Đâu có, văn chương chọn tôi đấy chứ! Còn người ngoài giới này - thường là công chúng, người đọc - một số đông vô thiên lủng vừa hữu hình có tên tuổi nhân dạng rõ ràng, lại vừa mờ ảo chập chờn đâu đó khi có khi không, thì lắm lúc lại nói về công việc sáng tác văn chương "rất liều" mà chưa chắc đã sai, rằng, đó là bịa đặt nhưng đúng hơn cả sự thật mà họ từng biết, là chốn ma mị mà không có gì phải sợ, thậm chí là nếu có được nhập vào một tí cũng hay hay... và ngược lại, cũng có khối anh đe bạn bè con cháu rằng: Làm gì thì làm, chớ mó máy thơ ca truyện kí đấy nhé!
Ảnh minh họa/internet |
Tôi từng thấy thế, biết thế nên thuật lại một chút vậy, nói theo cách Nguyễn Trọng Tạo, tin thì tin không tin thì thôi. Tôi chỉ nói thêm: Bạn thử im lặng ngồi nghe, gợi để mà nghe, ở một quán nước chè, trong một chặng xe ôm hay xe hàng... thử đi, sẽ rõ dần dần.
Ấy là nói về chuyện sáng tác.
Nếu nhìn sang nhóm phê bình văn chương, với các nhà lí luận văn chương nữa, thì hình như câu chuyện còn có phần rối hơn nhiều.
Chuyện thứ nhất
Có một người gặp ông viết phê bình văn chương, bảo:
- Hôm nọ gặp ông A. Ông ấy khen bài viết của cậu lên tay, đọc được.
Nói ra thì bằng lời, qua miệng, nhưng ý tứ thì lại qua cặp mắt, vừa như thông tin, đưa chuyện, lại như vừa ngụ một ý gì.
Lại hỏi mà gợi:
- Lâu nay cậu có trò chuyện với ông B. không? Chả biết ông ấy đang viết gì? Cậu đọc thấy thế nào? Mà ông B. ấy cũng tài, viết gì đọc cũng được.
Chịu, không dám cho là đã hiểu ý ông khách. Đành đứng dậy súc ấm pha ấm trà khác. Nghe rõ tiếng quạt máy vù vù và tiếng rao "Anh bánh rán đơ ơ i..." từ ngoài đường vọng vào.
Định hỏi:
- Thế bác đang viết gì? Hôm nay bác còn định đi đâu nữa không?
Nhưng e là sỗ, đành im lặng.
Cùng nhìn lên tường, cùng nghe tiếng quạt máy và đôi tí âm vang phố phường, cùng chiêu mấy ngụm nước. Hay là rượu? Đúng, phải có tí men may ra mới thoát được cảnh này.
- Em có chai rượu để mãi... mời anh một chén nhé!
Thế là rượu, nhớ ra trong tủ còn có ít lạc rang.
Chuyện rẽ lung tung mấy hướng, địa chỉ chả rõ ràng gì. Nhoáng cái, đã hơn 10h sáng.
Chia tay, bắt tay, hẹn gặp.
Khách đã đi một đỗi, chủ nhà là dân làm phê bình văn chương vẫn chưa hết bâng khuâng, khó hiểu.
Mấy hôm sau, gặp một ông phê bình văn chương khác, vừa kể chưa hết chuyện, ông bạn đã kêu lên:
- May cho ông đấy! Chưa bình phẩm sáng tác của nhau là còn may đấy!
Rồi hạ giọng, ông bạn làm phê bình văn chương lâu năm kia bảo:
- Cánh sáng tác cứ hợp gu nhau là khen bốc trời nhau lên, không hợp nhau, đố có đọc nhau, không chê là may rồi. Mình viết phê bình văn chương mà khen ai không hợp với người đọc, là vạ lây chứ chả đùa được đâu!
Lại chia tay. Ngồi soát xét lại, có đúng thế không nhỉ?
Chuyện thứ hai
Theo hẹn, một vị sáng tác đến nhà, gọi là thăm nhau, chả là "Gặp nhau nhiều mà không đến thăm, e không phải với cậu". Lại nước. Và thuốc, thuốc lá đá thuốc lào, khói bảng lảng và khói mịt mù.
Lời nói nhẹ nhàng, mà cặp mắt rõ là háo hức:
- Mình mới cho ra tập này, là tập thứ... Mình tin và mến cậu, đọc cho mình nhé!
Tiếp theo, là xuất xứ, là ngọn nguồn sâu xa và hoàn cảnh trực tiếp của việc viết tập sách, là ý tưởng muốn gửi gắm, là ý kiến bạn bè khi sách còn là bản thảo, nhìn chung là khen...
- Thế nhà xuất bản có ý kiến gì không anh?
- À, ừ,... mà cánh ấy họ có biết gì đâu, họ cấp cho cái giấy phép là xong thôi mà. Vả lại, cũng may cho mình, nếu họ biên tập hẳn hoi, chắc mấy đoạn giường chiếu máu me bị cắt cũng nên.
- Nhưng cái ý tưởng, cái triết lí cuộc đời mà anh muốn gửi gắm trong sách này...?
- À, có chứ, phải mượn cảnh đâm chém giận hờn mánh mung bịp bợm đĩ thõa trai gái mà chở đi chứ! Viết đã lắm, hà hà, bọn trẻ chưa chắc đã vượt được mấy anh già đâu nhé!
Tối, giở tập sách đọc lướt lướt kiểu quét tin. Con gái vào:
- Ba, con hỏi tí được không? Mà ba đọc gì mà đăm đăm thế?
Nói với con mấy câu cho nó lui ra. Thốt nhiên mừng hú: May mà nhà tuy chật, vẫn thu xếp được cái góc riêng riêng này, may mà vợ con mình không có tính lục lọi và tiện thể đọc những trang sách trên bàn này.
Chuyện thứ ba
Đang chú ý lắng nghe một diễn giả - ông nói trơn tru và đầy ngữ điệu, có lúc như nấc lên thương tiếc, có khi rõ là chùng lại thì thào về một lối rẽ trong cuộc đời đầy oan trái bất trắc... thấy có ai khều khều ở lưng. Quay lại, nghe:
- Cậu thật không biết gì về cái ông đang nói kia à? Bố láo đấy, sáng tác dở ẹc, chỉ được cái Lý Thông.
Xua nhẹ, ra ý giữ trật tự.
Giờ nghỉ, ông khều lưng lúc nãy bảo, giọng trầm trầm:
- Xin lỗi nhé, lúc này chả là tớ mót gặp cậu quá. Chuyện là thế này: Chẳng gì thì cậu cũng là tay chơi được, cậu viết về khối ông rồi, cậu phải viết về tớ với chứ!
- Vâ â â ng.
- Thôi, đừng nói là chờ dịp nhé! Sách tớ chuẩn bị cả đây rồi.
Cầm một túi to. Mừng ít lo nhiều. Sách nặng, tình và trách nhiệm còn nặng gấp bao nhiêu là bao nhiêu. Chợt nhớ là có lần đã được dặn: Khen ông nọ bà kia mà không khen ông ta là bị soi đấy, khen mà người ta cho là chưa đủ đô là dỗi giận đấy, đừng nói là chê nhé!
NGUYÊN AN